WHO đưa ra 7 khuyến nghị cụ thể trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam

Linh Chi|09/05/2023 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

WHO khẳng định, tất cả các quốc gia cần học cách ứng phó với dịch bệnh COVID-19, cũng như những dịch bệnh khác.

Ngày 5/5, Ủy ban khẩn cấp về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế (WHO) khẳng định, đại dịch này đã không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Tuyên bố này được xem là tiền đề để WHO quyết định có nên duy trì mức cảnh báo tối đa đối với đại dịch COVID-19 hay không.

Theo Ủy ban khẩn cấp về COVID-19, quyết định này dựa trên cơ sở đại dịch COVID-19 vẫn tồn tại song thế giới đã đạt được tiến bộ trong việc khống chế dịch bệnh. Do đó, COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Sau tuyên bố này của WHO, Văn phòng đại diện của tổ chức này tại Việt Nam ngày 8/5 cũng đã đưa ra 7 khuyến nghị cụ thể trong phòng, chống dịch COVID-19. WHO khẳng định, tất cả các quốc gia cần học cách ứng phó với dịch bệnh này, cũng như những dịch bệnh khác.

WHO đưa ra 7 khuyến nghị tại Việt Nam

Thứ nhất: Không bao giờ được chủ quan, lơ là trước dịch bệnh. Các nước cần duy trì năng lực và những thành tựu đã đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, chuẩn bị cho những diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai, để tránh việc bị quá tải hệ thống y tế. Với Việt Nam, WHO khuyến nghị, hệ thống phòng, ngừa dịch bệnh luôn sẵn sàng ứng phó khi diễn biến dịch có thay đổi.

tiem.jpg
WHO khuyến nghị đưa tiêm phòng COVID-19 vào Chương trình tiêm chủng quốc gia.

Thứ hai: Đưa tiêm phòng COVID-19 vào Chương trình tiêm chủng quốc gia hay tiêm chủng suốt đời. Việt Nam có chương trình tiêm vaccine COVID-19 rất tốt, theo đó, WHO vẫn khuyến nghị Việt Nam tăng cường việc tiêm các mũi tăng cường, đặc biệt cho nhóm người có nguy cơ cao.

Thứ ba: Các nước cần tiếp tục tăng cường, tích hợp các hoạt động giám sát theo dõi những bệnh lý hô hấp và báo cáo về WHO. Việt Nam nên tập trung giám sát có trọng điểm, hết sức chặt chẽ với bất cứ sự xuất hiện của các biến thể mới. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ những thay đổi trong tốc độ, mức độ lây truyền, mức độ nặng của ca bệnh… nhằm nỗ lực giảm số ca tử vong hay giảm số ca nhập viện chăm sóc đặc biệt.

Thứ tư: Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng vaccine, các phương tiện chẩn đoán, điều trị, đảm bảo các chuỗi cung ứng về lâu dài và luôn sẵn có.

Thứ năm: Tiếp tục truyền thông, huy động sự tham gia của cộng đồng trong các nỗ lực phòng, chống dịch. COVID-19 không còn là tình trạng chưa từng có tiền lệ, nhưng vẫn cần truyền thông để người dân hiểu và cập nhật thông tin dịch bệnh.

Thứ sáu: Việt Nam thực chất đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế đi lại từ tháng 3/2022 khi hướng tới quản lý bền vững COVID-19. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát và cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia và sẵn sàng, linh hoạt, và nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ.

Thứ bảy: Việt Nam vẫn cần tiếp tục các nghiên cứu để cải tiến vaccine và hiểu các tình trạng liên quan hậu COVID-19 hơn. Trong bối cảnh ca nhiễm vẫn tăng thì chúng ta vẫn cần giám sát chặt chẽ, có các biện pháp sẵn sàng- nâng cao năng lực chăm đặc biệt để đảm bảo khi số ca tăng lên, hệ thống y tế không bị quá tải.

Trong cuộc họp báo chiều ngày 8/5 về công tác phòng, chống dịch COVID-19, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định: "WHO luôn đồng hành và cam kết với Bộ Y tế trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
WHO đưa ra 7 khuyến nghị cụ thể trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.