WMO: Biến đổi khí hậu khiến vòng tuần hoàn nước của hành tinh trở nên khó lường
Thông tin từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), lũ lụt và hạn hán ngày càng dữ dội là “tín hiệu báo động” về những gì sắp xảy ra khi biến đổi khí hậu khiến vòng tuần hoàn nước của hành tinh trở nên khó lường hơn bao giờ hết.
Theo đó, báo cáo về tình hình tài nguyên nước toàn cầu do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 7/10 đã chỉ ra rằng, 2023 là năm khô hạn nhất của các con sông thế giới trong hơn 30 năm qua. Thực tế này đang gây ra nhiều nguy cơ cho nỗ lực bảo đảm nguồn cung cấp nước trên phạm vi toàn cầu.
Cơ quan khí tượng của Liên hợp quốc thông tin, trong vòng 5 năm qua, mực nước sông trên toàn cầu thấp hơn mức trung bình trong khi các hồ chứa cũng ở mức thấp.
Năm 2023, hơn 50% lưu vực sông trên toàn thế giới đã chứng kiến những hiện tượng bất thường, hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt. Tình hình tương tự cũng đã diễn ra vào năm 2022 và 2021. Các khu vực phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng và điều kiện lưu lượng sông thấp bao gồm các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Bắc, Trung và Nam Mỹ, cụ thể là sông Amazon và sông Mississippi đều có mực nước thấp kỷ lục. Ở phía bên kia địa cầu, tại châu Á và châu Đại Dương, các lưu vực sông Hằng, Brahmaputra và sông Mê Kông lớn đã trải qua tình trạng mực nước thấp hơn bình thường trên hầu hết các vùng lãnh thổ lưu vực.
Biến đổi khí hậu dường như đang thay đổi hướng đi của nước, góp phần gây ra lũ lụt và hạn hán cực đoan tại nhiều khu vực trên thế giới. Báo cáo của WMO cho biết năm 2023 là "năm nóng nhất" được ghi nhận, với các hiện tượng như nhiệt độ tăng cao và tình trạng khô hạn lan rộng đã góp phần gây ra tình trạng hạn hán kéo dài. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhiều nước trên thế giới phải hứng chịu các trận lũ lụt thảm khốc.
Theo WMO, các hiện tượng thời tiết cực đoan này chịu ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi từ La Niña sang El Niño vào giữa năm 2023. Trong khi El Niño là hiện tượng nhiệt độ bề mặt biển cao hơn mức trung bình phát triển theo chu kỳ trên khắp vùng xích đạo đông-trung tâm Thái Bình Dương, thì La Niña lại là sự làm mát theo chu kỳ ở những khu vực đó. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết sự cố khí hậu đang làm trầm trọng thêm tác động của các hiện tượng thời tiết này và khiến chúng khó dự đoán hơn.
Các khu vực phải đối mặt với lũ lụt bao gồm bờ biển phía Đông của châu Phi, Đảo Bắc của New Zealand và Philippines. Trong khi đó, tại một số nước như: Anh, Ireland, Phần Lan và Thụy Điển lại chứng kiến lưu lượng xả lũ cao hơn bình thường, tức là lượng nước chảy qua một con sông tại một thời điểm nhất định.
Theo báo cáo khu vực miền Nam nước Mỹ, Trung Mỹ và các quốc gia Nam Mỹ, trong đó có Argentina, Brazil, Peru và Uruguay đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán trên diện rộng và mực nước ở Amazon và Hồ Tititaca - nằm ở biên giới giữa Peru và Bolivia, thấp nhất từ trước đến nay.
Tổng thư ký WMO, Celeste Saulo nhấn mạnh: “Nước là dấu hiệu cảnh báo sớm của biến đổi khí hậu… Chúng ta nhận được tín hiệu báo động dưới dạng lượng mưa, lũ lụt và hạn hán ngày càng cực đoan, gây thiệt hại nặng nề cho cuộc sống, hệ sinh thái và nền kinh tế. Băng tan và sông băng đang đe dọa an ninh nước lâu dài cho hàng triệu người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thực hiện hành động cấp bách cần thiết”.
Theo lập luận của bà Saulo, hiện tượng ấm lên của trái đất đã kéo theo chu trình thủy văn đã tăng tốc. Hiện tượng này cũng trở nên thất thường và khó lường hơn, dẫn đến việc chúng ta phải đối mặt với các vấn đề ngày càng nghiêm trọng về tình trạng dư thừa hoặc khan hiếm nước. Bầu khí quyển ấm hơn giữ nhiều độ ẩm hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho lượng mưa lớn. Trong khi hiện tượng bốc hơi nhanh hơn và đất khô hơn làm tình trạng hạn hán trở nên tồi tệ hơn.
Cơ quan Nước của Liên hợp quốc (UN Water) cảnh báo những điều kiện nước khắc nghiệt này đang gây ra nguy cơ cho nguồn cung ứng nước. Hiện tại, 3,6 tỷ người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ít nhất một tháng mỗi năm và con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 5 tỷ người vào năm 2050.
Dữ liệu sơ bộ của WMO cho thấy, trong năm 2023, các con sông băng cũng bị ảnh hưởng nặng nề và mất đi hơn 600 gigaton nước, đánh dấu mức độ hao hụt nghiêm trọng nhất trong 50 năm quan sát. Trong khi đó, các ngọn núi ở phía tây Bắc Mỹ và dãy Alps của châu Âu lại phải đối mặt với tình trạng tan chảy cực độ. Dãy Alps của Thụy Sĩ đã mất khoảng 10% khối lượng còn lại trong hai năm qua.