80.000 hộ dân đang bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Trọng Huy|22/05/2020 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và xâm nhập mặn, hơn 80.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Theo Bộ NN&PTNT, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã xuất hiện sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016, ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Năm 2019, thiên tai trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường với tổng số 600 đợt thiên tai quy mô cấp quốc gia và khu vực. Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra trong năm 2019 trên thế giới khoảng 150 tỷ USD.

ĐBSCL đang chịu đợt hạn mặn gay gắt, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và nước sinh hoạt của người dân

Tại Việt Nam, thiên tai năm 2019 không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3: 8 cơn bão và 4 ATNĐ; ngoài ra còn có 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long… Thiệt hại do thiên tai năm 2019 đã được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người: 133 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng, đã giảm nhiều so với thiệt do thiên tai gây ra năm 2018 (ước tính gần 20.000 tỷ đồng).

Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường; trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng (nhiệt độ ngày 24/4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ C, thấp nhất 50 năm gần đây); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại đồng bằng sông Cửu Long.

Trong tháng 1/2020, ranh mặn 4g/lít ở vùng 2 sông Vàm Cỏ (Vàm cỏ Đông, Vàm cỏ Tây) vào sâu 82-85 km, sâu hơn năm 2016 từ 18-20km; vùng cửa sông Cửu Long từ 45-66km, sâu hơn năm 2016 từ 6-17 km; vùng ven Biển Tây lớn nhất 48km, sâu hơn năm 2016 là 6 km.

Theo đánh giá, hiện thiệt hại do hạn mặn với lúa vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020 khoảng gần 29.700 ha (Mùa 16.000 ha, Đông Xuân 13.700 ha), chỉ bằng 7,3% so tổng cộng thiệt hại năm 2015-2016 (tổng diện tích lúa thiệt hại năm 2015¬2016 la 405.000 ha).

Tuy nhiên, có khoảng 79.700 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt (Bến Tre 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.100 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ), cần có các giải pháp để khắc phục kịp thời.

Tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam trong những tháng nửa cuối năm 2020; lũ tại các sông khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1-2, trên các sông suối nhỏ có thể ở mức BĐ3, lũ sông Cửu Long muộn và ở mức BĐ1-BĐ2. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.

Dùng máy bơm để lấy nước tưới cho đồng ruộng, cây trái

Các biện pháp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho 80 000 hộ dân

Theo Bộ NN&PTNT trước mắt, các địa phương theo dõi sát diễn biến nguồn nước ở thường nguồn, đo đạc theo dõi độ mặn ở các khu vực để có thực hiện lấy nước phù hợp.

Cùng đó, tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép, tăng tích trữ nước vào nội đồng, hệ thống kênh… nhất là hệ thống thủy lợi Bảo Định (Tiền Giang), Nam Măng Thít (Trà Vinh, Vĩnh Long); hệ thống thủy lợi Quản Lộ – Phụng Hiệp.

Khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt p cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng, lắp thêm các vòi nước công cộng để cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sử dụng.

Ngoài ra, các địa phương, bộ ngành cần kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt ưu tiên các hộ dân nghèo, sống phân tán, ven sông, ven biển chưa được tiếp cận nguồn nước sạch…

Trọng Huy

Bài liên quan
  • Hạn mặn khốc liệt, 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt
    Moitruong.net.vn – Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), các tỉnh Nam bộ hiện đang có khoảng 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
80.000 hộ dân đang bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.