Emagazines

Bắc Trung Bộ nỗ lực chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững

Hoàng Thơ 30/03/2026 10:30

Bắc Trung Bộ đang đứng trước cơ hội bứt phá với các giải pháp chuyển đổi xanh nhằm giảm thiểu tác động môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp sạch đến du lịch sinh thái và năng lượng tái tạo, khu vực này từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển bền vững.

nho-duoc-bao-ve-ma-rung-sang-le-o-tam-dinh-huyen-tuong-duong-ngay-mot-xanh-tot.jpg

Khu vực Bắc Trung Bộ, trải dài từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, sở hữu vị trí chiến lược với bờ biển dài hơn 600 km cùng các cảng biển quan trọng như Nghi Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Chân Mây (Thừa Thiên Huế). Đây là cầu nối quan trọng trong giao thương hàng hóa, phát triển logistics và kinh tế biển, góp phần kết nối khu vực miền Bắc và miền Nam.

Bên cạnh tiềm năng phát triển công nghiệp và thương mại, Bắc Trung Bộ còn là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên, thích hợp cho phát triển nông nghiệp và du lịch. Những vùng đồng bằng ven biển, hệ thống sông ngòi phong phú và khí hậu nhiệt đới gió mùa tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản và cây công nghiệp.

Mùa hè, nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ có thể vượt ngưỡng 40°C, gây hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Ngược lại, vào mùa mưa, các đợt mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất xảy ra thường xuyên hơn, đe dọa an toàn các khu dân cư ven sông, miền núi.

Bên cạnh đó, tình trạng nước biển dâng làm gia tăng xâm nhập mặn, thu hẹp diện tích đất canh tác và ảnh hưởng đến hệ sinh thái ven biển. Các cơn bão có xu hướng mạnh hơn, tốc độ di chuyển nhanh và khó dự báo, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và cơ sở hạ tầng.

quang-binh-2.jpg
Chuyển đổi xanh đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển bền vững cho Bắc Trung Bộ

Trước thực trạng này, chuyển đổi xanh đang được xem là giải pháp tối ưu để khu vực phát triển bền vững, giảm thiểu tác động môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi xanh đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển bền vững cho Bắc Trung Bộ. Việc áp dụng các giải pháp xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng dài hạn, hài hòa giữa lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội. Các địa phương trong vùng đã bắt đầu triển khai các chương trình kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái nhằm hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Định hướng chiến lược - Nền tảng cho phát triển bền vững

Tại Việt Nam, việc phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đã không chỉ trở thành một yêu cầu mà còn là một cơ hội chiến lược để các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới. Trên phạm vi cả nước, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết và chiến lược quan trọng để định hướng phát triển bền vững và chuyển đổi xanh.

Ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu, trong đó có định hướng các ngành, các cấp và địa phương đến năm 2030. Nghị quyết số 136/NQ-CP nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển bền vững. Đây là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Việc xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.

Ngoài ra, Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển.

Theo đó, đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển được kỳ vọng đóng góp khoảng 10% GDP cả nước, trong khi kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển – bao gồm khu vực Bắc Trung Bộ – chiếm khoảng 65-70% GDP cả nước. Để đạt được điều này, Nghị quyết đề ra các giải pháp trọng tâm như kiểm soát chặt chẽ việc khai thác tài nguyên biển, bảo vệ các hệ sinh thái biển, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong khai thác và bảo vệ tài nguyên biển.

Còn tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây được coi là bước ngoặt trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu. Để hiện thực hóa cam kết này, Chính phủ Việt Nam đã triển khai hàng loạt chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường như: Ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2050 (Quyết định 896/QĐ-TTg) và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 882/QĐ-TTg), tập trung vào giảm phát thải, xanh hóa sản xuất và tiêu dùng; Hành lang pháp lý cũng được hoàn thiện với Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính…

Có thể nói, ở cấp độ quốc gia, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành những văn bản cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững, nói cách khác là bản địa hóa các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Những định hướng chiến lược đó không chỉ tạo nền tảng quan trọng mà còn định hướng rõ ràng cho các địa phương Bắc Trung Bộ trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển bền vững theo điều kiện thực tế của từng vùng.

Theo đó, tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nhằm phát triển công nghiệp xanh, sạch và bền vững. Mục tiêu đến năm 2030 bao gồm: Giảm phát thải khí nhà kính 9-18,4%, nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 15-20%, giữ tỷ lệ che phủ rừng ở mức 58% và xây dựng lối sống xanh. Tỉnh cũng đặt mục tiêu xử lý 100% nước thải tại các khu công nghiệp vào năm 2030. Nghệ An cũng khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển sản xuất sạch hơn. Đồng thời, tỉnh tập trung vào xây dựng hệ thống giao thông xanh, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Các chính sách hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư xanh được đặc biệt ưu tiên.

green-and-white-simple-mangrove-restoration-presentation-5-.jpg

Còn tại tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo. Điều này thể hiện ở tài nguyên nguồn nước mặt trung bình hàng năm cao, với mức 21,05 tỷ m³. Toàn tỉnh có 632 công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện với tổng dung tích trữ hiện có 2,15 tỷ m³, dung tích hữu ích để sử dụng hàng năm là 1,41 tỷ m³; 54 công trình cấp nước sạch tập trung với công suất khoảng 419.810 m³/ngày đêm và 506 công trình cấp nước tập trung (tự chảy) với công suất khoảng 34.040 m³/ngày đêm. Ngoài ra, hiện trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp với các quy mô lớn, vừa và nhỏ khác nhau...

Trên cơ sở định hướng phát triển của đất nước, tỉnh Thanh Hoá đã khẩn trương ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Từ đó đã chủ động dần chuyển dịch nền kinh tế sang phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Bên cạnh Thanh Hóa và Nghệ An, Hà Tĩnh cũng ưu tiên đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực theo định hướng chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh Thanh Hóa và Nghệ An, Hà Tĩnh cũng ưu tiên đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực theo định hướng chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững.

green-and-white-simple-mangrove-restoration-presentation-3-.jpg

“Hà Tĩnh đề ra mục tiêu cụ thể: Tăng trưởng kinh tế bình quân trên 9%, kinh tế số chiếm 30%; duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 52%; 100% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý theo quy định; chỉ số phát triển con người phấn đấu cao hơn mức trung bình của cả nước”, ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay.

Nỗ lực chuyển mình xanh của các địa phương

Trên thực tế, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã tích cực triển khai các chiến lược chuyển đổi xanh nhằm hướng tới phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các tỉnh trong khu vực đã áp dụng nhiều mô hình sản xuất bền vững, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Trong đó, nông nghiệp – lĩnh vực kinh tế quan trọng của Bắc Trung Bộ – đang từng bước ứng dụng các mô hình sản xuất xanh, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù của vùng.

Thanh Hóa là một trong những địa phương tiên phong phát triển nông nghiệp xanh với mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Thọ Xuân và Yên Định. Các hợp tác xã nông nghiệp tại đây đã áp dụng quy trình canh tác hạn chế tối đa phân bón hóa học, thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh và sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật giảm từ 30-40%, trong khi năng suất lúa vẫn đảm bảo ổn định.

cau-trong-chu-luc-diem-nhan-kinh-te-tai-thanh-hoa.jpg

Đặc biệt, mô hình lúa hữu cơ không chỉ giúp cải tạo đất đai mà còn tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn trên thị trường. Một số doanh nghiệp trong tỉnh đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đưa gạo hữu cơ Thanh Hóa vào các chuỗi siêu thị lớn. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích canh tác và ổn định đầu ra, địa phương cần có thêm chính sách hỗ trợ nông dân về kỹ thuật và tài chính.

Cùng với Thanh Hóa, Hà Tĩnh cũng đang đẩy mạnh phát triển vùng trồng rau sạch tại các huyện Hương Sơn, Lộc Hà theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều trang trại và hợp tác xã đã đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới nhằm kiểm soát môi trường canh tác, hạn chế sâu bệnh và giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hệ thống tưới tự động cũng được áp dụng, giúp tiết kiệm nước và cung cấp dinh dưỡng cân đối cho cây trồng.

Không chỉ dừng lại ở nông nghiệp, một số khu công nghiệp tại Bắc Trung Bộ cũng đang từng bước áp dụng giải pháp giảm phát thải, sử dụng năng lượng sạch, hướng tới sản xuất bền vững.

Theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thanh Hóa có 23 phân khu khu công nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và có 19 khu công nghiệp. Hiện Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) đã thu hút được 731 dự án, trong đó có 75 dự án đầu tư FDI và 656 dự án đầu tư trong nước (số liệu tính đến tháng 1/2025 tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ban Quản lý KKTNS&CKCN tỉnh).

Với quy mô sản xuất lớn và tập trung, các KCN thường chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng khí nhà kính và ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp. Do đó, chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc, đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của địa phương. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, trong việc lựa chọn KCN xanh để đầu tư. Mặt khác thực hiện chuyển đổi xanh còn góp phần cùng Chính phủ thực hiện Cam kết Netzero vào năm 2050.

Hướng đến chuyển đổi xanh, thời gian qua Ban Quản lý KKTNS&CKCN đã triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành liên quan về thực hiện chuyển đổi xanh. Tại các KCN, nhiều doanh nghiệp đã chủ động gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Ngoài đạt tỷ lệ cây xanh trong khuôn viên theo quy định, một số doanh nghiệp đã tái chế một phần chất thải, giảm lượng chất thải ra môi trường như Công ty CP Môi trường Nghi Sơn, ngoài đã tận dụng các phi sắt hoặc nhựa thu gom từ Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tái chế, sử dụng làm thành thùng rác, cấp cho khách hàng, công ty còn tái chế dầu thải thành nguồn nước phục vụ hoạt động của đơn vị... Việc tái chế này, vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm chất thải ra môi trường, đồng thời góp phần vào chuyển đổi xanh.

green-and-white-simple-mangrove-restoration-presentation-6-.jpg

Còn tại Nghệ An, Khu công nghiệp VSIP Nghệ An đã áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo.

Nhà máy xử lý nước thải (XLNT) tập trung tại VSIP Nghệ An giai đoạn 1 với công suất xử lý 6.000 m3/ngày đêm đã hoàn thành (tổng công suất thiết kế là 28.000 m3/ngày, đêm) là một minh chứng quan trọng thể hiện cam kết của VSIP nhằm mang lại một Khu liên hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ thân thiện với môi trường tại Nghệ An. Nhà máy ứng dụng công nghệ tiên tiến và được trang bị máy móc, thiết bị xử lý hiện đại với mức độ tự động hóa cao nhằm mang lại hiệu quả tối ưu.

Nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp trong KCN vào Nhà máy XLNT sẽ được xử lý theo công nghệ hóa lý kết hợp sinh học với hệ thống xáo trộn bề mặt hiện đại đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn của Bộ TN&MT. Bên cạnh đó, Nhà máy còn được trang bị hệ thống biến tần kết hợp với thiết bị đo đạc trực tuyến nhằm tối ưu hóa hoạt động của các thiết bị, tiết kiệm điện năng hơn 30% so với các hệ thống thông thường; hệ thống điều khiển thông minh SCADA kết hợp với hệ thống quan trắc tự động trực tuyến có thể giám sát, điều khiển từ xa và truy xuất dữ liệu gửi thẳng tới máy tính, thiết bị cầm tay của nhân viên và cơ quan quản lý. Nhà máy cũng đã hoàn thành lắp đặt hệ thống xử lý mùi để đảm bảo xử lý triệt để mùi phát sinh từ nhà máy XLNT nếu có, mang lại môi trường làm việc trong lành cho KCN.

Bên cạnh việc áp dụng các giải pháp giảm phát thải và sử dụng năng lượng tái tạo trong khu công nghiệp, nhiều địa phương tại Bắc Trung Bộ cũng đang khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, hướng đến mô hình phát triển hài hòa giữa kinh tế và bảo vệ môi trường.

thiet-ke-chua-co-ten-1.jpg

Tỉnh Nghệ An đã chú trọng phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên và văn hóa bản địa. Một trong những điểm sáng là Vườn quốc gia Pù Mát, nơi bảo tồn nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đồng thời mở ra các tuyến du lịch khám phá rừng nguyên sinh, thác nước và hang động. Khu vực này đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại Con Cuông, thu hút du khách đến trải nghiệm văn hóa của đồng bào Thái, Mông, Kinh.

Đặc biệt, hình thức du lịch chèo thuyền kayak trên sông Giăng đang trở thành điểm nhấn độc đáo, giúp du khách khám phá hệ sinh thái sông nước mà không gây ô nhiễm môi trường.

Còn tại Hà Tĩnh, với lợi thế phát triển du lịch sinh thái biển, bãi biển Thiên Cầm đang được quy hoạch theo hướng hạn chế rác thải nhựa, khuyến khích sử dụng các vật dụng tái chế trong hoạt động kinh doanh du lịch. Các khu nghỉ dưỡng tại đây đang triển khai các chương trình giảm thiểu nhựa sử dụng một lần, đồng thời tổ chức chiến dịch dọn rác định kỳ trên bãi biển.

Ngoài ra, khu du lịch sinh thái hồ Kẻ Gỗ, một trong những hồ nước ngọt lớn nhất khu vực, đang được khai thác theo hướng phát triển bền vững. Các hoạt động như cắm trại, câu cá, đi thuyền trên hồ đang thu hút khách du lịch muốn tìm về thiên nhiên. Chính quyền địa phương cũng đã triển khai các biện pháp bảo vệ nguồn nước, kiểm soát lượng du khách để tránh ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ. Tuy nhiên, công tác quản lý còn nhiều bất cập, chưa có quy định chặt chẽ để kiểm soát tình trạng xả rác tự phát của du khách.

Trong xu hướng chuyển đổi xanh, Bắc Trung Bộ cũng đang đẩy mạnh khai thác năng lượng tái tạo nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường. Các dự án điện gió, điện mặt trời đang được triển khai tại nhiều địa phương, góp phần tạo ra nguồn năng lượng sạch, bền vững cho khu vực.

Quảng Bình và Quảng Trị đang nổi lên như những địa phương tiên phong trong phát triển điện gió, điện mặt trời tại khu vực này. Với lợi thế tự nhiên và định hướng chiến lược rõ ràng, hai tỉnh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trung tâm năng lượng tái tạo của miền Trung, góp phần quan trọng vào tiến trình xanh hóa nền kinh tế.

2.jpg

Nhờ sự đầu tư bài bản, Quảng Trị đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm năng lượng gió của khu vực, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Bên cạnh điện gió, điện mặt trời cũng đang được đẩy mạnh khai thác, đặc biệt tại các khu vực ven biển và những địa phương có số giờ nắng cao. Tại Quảng Bình, nhiều dự án điện mặt trời đã được triển khai tại Đồng Hới và các vùng lân cận, góp phần tận dụng nguồn năng lượng sạch, giảm áp lực lên lưới điện quốc gia. Các hệ thống điện mặt trời áp mái cũng được khuyến khích lắp đặt trong khu dân cư và doanh nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Với tiềm năng sẵn có cùng chính sách hỗ trợ từ Trung ương và địa phương, Quảng Bình và Quảng Trị đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Bắc Trung Bộ. Trong thời gian tới, hai tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư, mở rộng quy mô các dự án điện gió, điện mặt trời, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất khai thác nguồn năng lượng sạch.

Vẫn còn nhiều rào cản

Dù đã có những bước tiến đáng kể trong chuyển đổi xanh, khu vực Bắc Trung Bộ vẫn đối mặt với nhiều hạn chế và bất cập khiến quá trình này diễn ra chậm, chưa đồng bộ và chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là sự chênh lệch trong triển khai chuyển đổi xanh giữa các tỉnh. Trong khi Quảng Trị và Quảng Bình đã có những dự án điện gió, điện mặt trời quy mô lớn, thì nhiều địa phương khác như Nghệ An, Thanh Hóa vẫn đang loay hoay với lộ trình phát triển năng lượng sạch. Tình trạng này khiến sự phát triển không đồng đều, chưa tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trên toàn khu vực. Bên cạnh đó, nhiều địa phương mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng đề án, quy hoạch mà chưa có các hành động cụ thể, đột phá để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi.

Việc áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên vẫn còn hạn chế, nhất là trong ngành công nghiệp và nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tại Bắc Trung Bộ chưa thực sự quan tâm đến việc giảm phát thải, chủ yếu vẫn sử dụng công nghệ cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có mô hình khu công nghiệp sinh thái rõ nét, khiến việc chuyển đổi xanh diễn ra chậm. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn dù được khuyến khích nhưng chưa phát triển mạnh do chi phí cao và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả.

3.jpg

Một trong những rào cản lớn nhất đối với chuyển đổi xanh tại Bắc Trung Bộ là hệ thống hạ tầng môi trường, xử lý nước thải, khí thải còn yếu kém. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, vẫn còn tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường. Các đô thị ven biển như Đồng Hới (Quảng Bình), Vinh (Nghệ An) hay TP Thanh Hóa đang phải đối mặt với vấn đề rác thải nhựa, ô nhiễm nguồn nước, trong khi các giải pháp xử lý vẫn còn chậm triển khai. Ở khu vực nông thôn, mô hình xử lý chất thải sinh hoạt, phân loại rác tại nguồn vẫn chưa thực sự đi vào thực tế, dẫn đến ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo tại Bắc Trung Bộ cũng đang gặp trở ngại do hạ tầng truyền tải chưa đáp ứng kịp. Việc nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời tại Quảng Bình, Quảng Trị bị quá tải lưới điện, không thể phát hết công suất lên lưới là minh chứng cho vấn đề này. Điều này cho thấy cần có sự đầu tư bài bản vào hệ thống truyền tải để khai thác hiệu quả nguồn năng lượng sạch của khu vực.

Nhìn chung, Bắc Trung Bộ đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi xanh, từ sự thiếu đồng bộ giữa các địa phương, sự chậm trễ trong ứng dụng công nghệ xanh của doanh nghiệp, cho đến những bất cập trong hạ tầng xử lý môi trường. Nếu không có những chính sách quyết liệt và cơ chế hỗ trợ hiệu quả, quá trình chuyển đổi xanh tại Bắc Trung Bộ sẽ gặp nhiều khó khăn, chưa thể trở thành động lực cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là mục tiêu chiến lược

Chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu để Bắc Trung Bộ phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao sức cạnh tranh kinh tế. Việc triển khai các mô hình sản xuất sạch, sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên sẽ không chỉ giúp khu vực giảm thiểu tác động môi trường mà còn mở ra cơ hội thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Tại Hội thảo “Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?”, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, chuyển đổi xanh là cơ hội lớn để Việt Nam bắt nhịp ngay với những công nghệ hàng đầu toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Thiên, trong quá trình này, chủ trương từ Chính phủ với địa phương thì rất quyết liệt, rất hay, nhưng khi chuyển hóa thành hành động lại chậm.

4.jpg

Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu bắt buộc để thế giới đạt được mục tiêu nhiệt độ tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này.

Để giải quyết 3 vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học thì việc giảm rác thải về 0 là điều bắt buộc.

Yêu cầu của thế giới bây giờ xanh là số 1, chất lượng là số 2 và cuối cùng là giá. Điều đó cho thấy yếu tố xanh là cần thiết và doanh nghiệp cần phải chuyển đổi.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Để thúc đẩy chuyển đổi xanh, Bắc Trung Bộ cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn. Trước hết, chính quyền địa phương cần hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, công nghệ hiện đại và các mô hình sản xuất bền vững. Các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn cho nông dân và doanh nghiệp về phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường cũng cần được đẩy mạnh. Đồng thời, việc quy hoạch và phát triển hạ tầng xanh, như khu công nghiệp sinh thái hay hệ thống xử lý nước thải tập trung, là yếu tố then chốt để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác công - tư, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích tiêu dùng xanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường cũng sẽ góp phần tạo động lực cho quá trình chuyển đổi.

Với tiềm năng sẵn có cùng sự quyết tâm từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Bắc Trung Bộ có cơ hội trở thành một khu vực đi đầu trong phát triển bền vững. Chỉ khi chuyển đổi xanh được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ và dài hạn, khu vực này mới có thể phát triển hài hòa giữa kinh tế - môi trường - xã hội, hướng tới một tương lai xanh và thịnh vượng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bắc Trung Bộ nỗ lực chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.