Chi cục Thủy sản Bình Định đang triển khai thí điểm mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ cho 200 tàu tại cảng cá Quy Nhơn. Mô hình này thuộc Dự án thí điểm quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn, do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tài trợ, UBND TP Quy Nhơn cùng Chi cục Thủy sản Bình Định phối hợp triển khai.
Bình Định hiện có 5.955 tàu cá với chiều dài từ 6 m trở lên, trong đó có 3.243 chiếc khai thác xa bờ. Theo nhiều ngư dân Bình Định, trong quá trình đánh bắt xa bờ, tất cả rác thải sinh hoạt, vệ sinh cá nhân của các thuyền viên trên tàu cá đều thải trực tiếp xuống biển. Trước đây, trên các tàu cá thường trang bị thùng nước uống loại 20 lít. Tuy nhiên, do phải đổi trả thùng rất bất tiện nên các tàu cá đều sử dụng nước uống đóng chai.
Mỗi chuyến đi biển kéo dài gần 1 tháng, một tàu cá trung bình có 12 thuyền viên sử dụng khoảng 40 lốc nước đóng chai, mỗi lốc có 6 chai loại 1,5 lít. Như vậy, mỗi tàu cá sử dụng trung bình 240 chai trong một chuyến đi biển. Các chai nhựa này sau khi dùng xong đều được thuyền viên vứt thẳng xuống biển.
Nếu tính bình quân 3.000 tàu cá đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến đi biển kéo dài gần 1 tháng, ngư dân Bình Định sẽ thải xuống đại dương khoảng 720.000 chai nhựa. Mỗi năm, bình quân các tàu khai thác xa bờ ở Bình Định sẽ thải xuống đại dương khoảng 6,5 triệu chai nhựa.
Đau đáu trước tình trạng trên, TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, đã đưa ra sáng kiến về quản lý chất thải nhựa trên tàu cá và thiết kế túi lưới gom rác chuyên dùng cho tàu cá. Cụ thể, túi lưới gom rác có thân và miệng được nâng đỡ bởi 3 vòng inox giúp tạo hình dạng cố định như cái phễu; có thể xoay tự do, chịu được tác động ngoại lực (sóng hoặc gió) và xếp lại tùy theo nhu cầu sử dụng, không chiếm nhiều diện tích trên tàu cá như các thùng rác nhựa.
Ông Phan Thanh Trưởng - chủ một tàu cá ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn - đánh giá chiếc túi lưới này rất tiện lợi và thông dụng: "Khi đi đánh bắt, rác thải nhựa trên tàu như: chai nhựa, vỏ đồ hộp, vỏ lon bia, bao nhựa... được chúng tôi bỏ vào túi lưới qua phần miệng dạng ống tròn làm bằng lưới mềm, không thể rơi ra ngoài. Khi tàu về bờ, chúng tôi chỉ cần mở phần cuối sọt để lấy rác ra ngoài. Trong quá trình sử dụng, nếu túi lưới gom rác bị hư hỏng thì có thể dùng cước vá lại nên khá tiện lợi, hiệu quả".
Nếu mô hình thu gom rác thải bằng túi lưới của ngư dân được nhân rộng một cách hiệu quả thì mỗi năm tỉnh Bình Định sẽ có một lượng rác thải đáng kể được đem đi tái chế, không vứt xuống biển như trước đây.