Bộ Y tế ban hành sổ tay hướng dẫn truy vết F1, F2 của bệnh nhân COVID-19

Hoàng Nhân|04/12/2020 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 3/12, Bộ Y tế đã ban hành sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính.

Theo hướng dẫn này, cần tiến hành đồng thời truy vết F1 bằng nhiều biện pháp: hỏi người bệnh; truy vết tại cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống; truy vết tại các “mốc dịch tễ”; truy vết thông qua phương tiện thông tin đại chúng; truy vết thông qua ứng dụng Bluezone, Viet Nam Health Declaration.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động tối đa mọi nguồn lực đảm bảo cho công tác truy vết nhanh, hiệu quả, tiến hành truy vết càng sớm càng tốt ngay khi có thông tin ca bệnh. Xác định các “mốc dịch tễ” trước, sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc. Sử dụng đồng thời nhiều lực lượng truy vết để tiến hành truy vết thật nhanh theo các “mốc dịch tễ” phát hiện được. Đầu tư nguồn lực và thời gian để hoàn thành truy vết F1 trước trong thời gian sớm nhất. Việc truy vết F2 thực hiện sau khi đã cơ bản hoàn thành truy vết F1. Các “mốc dịch tễ” và người tiếp xúc gần F1 cần được truy vết trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế.

Ảnh minh họa.

Một chuyên gia phụ trách về CNTT của Bộ Y tế cho hay, năng lực truy vết hiện đã được đẩy mạnh với sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ thông tin và qua khai báo y tế. Tốc độ truy vết với cùng số lượng người có thể hoàn thành trong 2 ngày, thay vì 5 – 7 ngày nếu ở giai đoạn đầu. ‘‘Tuy nhiên, vẫn cần khuyến khích người dân cài đặt phần mềm Bluezone là một trong những công cụ hỗ trợ hiệu quả khi cần truy vết xác định các trường hợp tiếp xúc gần khi ca bệnh được phát hiện’’, TS Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế, lưu ý thêm.

Cũng trong ngày 3/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã ký công văn đề nghị tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, sau 88 ngày không có dịch trong cộng đồng, TP HCM đã phát hiện một số ca bệnh Covid-19 mới. Điều đặc biệt nguy hiểm là các ca này đã lây từ người cách ly sau nhập cảnh và lan ra cộng đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh hiện là mùa đông ở khu vực phía Bắc, cũng là thời điểm cuối năm, các đơn vị đang chuẩn bị tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, trong đó có những sự kiện lớn, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Để tránh lây lan dịch, Bộ Y tế chỉ đạo các sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân cần ưu tiên cao nhất cho việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Các bệnh viện rà soát, đánh giá lại toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở khám chữa bệnh. Thực hiện nghiêm khâu sàng lọc, phân luồng, cách ly và cho xét nghiệm toàn bộ các trường hợp nghi ngờ.

Hoàng Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bộ Y tế ban hành sổ tay hướng dẫn truy vết F1, F2 của bệnh nhân COVID-19
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.