Cây xanh đô thị tại Việt Nam (Bài 3): Giải pháp nào để phát triển bền vững?
Là bộ phận không thể thiếu trong cấu trúc không gian đô thị nhưng làm cách nào để cây xanh đô thị phát triển bền vững trước những thách thức của biến đổi khí hậu?
Cùng với cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, hệ thống cây xanh đô thị là bộ phận không thể thiếu trong cấu trúc không gian của đô thị. Nó không chỉ là một thành tố quan trọng góp phần tạo nên sức thu hút của thành phố mà còn đem lại lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội, bảo vệ môi trường trước những thách thức của biến đổi khí hậu. Thế nên để cây xanh đô thị phát triển bền vững thì ngoài những giải pháp tình thế mỗi khi xảy ra bão, lũ rất cần những giải pháp căn cơ, tổng thể lâu dài.
Những năm qua, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, trong khi thời tiết diễn biến phức tạp, tác động của biến đổi khí hậu đang gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng cũng như hệ sinh thái đô thị, trong đó có cây xanh. Vì vậy yêu cầu về hoàn thiện quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị nhằm mở rộng không gian xanh là vấn đề cần thiết đặt ra nhằm hài hòa môi trường sống của con người với thiên nhiên. Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của cây xanh đô thị. Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8 m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8 - 10 m2/người.
Để đạt được mục tiêu này cần phải có những giải pháp đồng bộ về quy chuẩn, quy hoạch, mô hình quản lý, chăm sóc, bảo vệ và cả chế tài xử phạt với những hành vi xâm phạm, bức tử cây xanh.
Giải pháp về quy chuẩn, quy hoạch
Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định quy chuẩn với các đô thị loại 1, loại đặc biệt, tỷ lệ cây xanh đô thị tối thiểu khoảng 6 - 8m2/người. Pháp luật luật Việt Nam cũng có quy định về tiêu chuẩn quốc gia TCVN về cây xanh đô thị trong đó tiêu chuẩn đất cây xanh sử dụng công cộng đối với đô thị đặc biệt là 12-15m2/người; với đô thị loại I và loại II là 10-12m2/người. Cũng theo quy định này thì tiêu chuẩn đất cây xanh công viên đối với đô thị loại đặc biệt là 7-9m2/người và từ 6-7,5m2/người đối với đô thị loại 1 và loại II.
Theo kết quả một cuộc khải sát đã công bố, cho thấy mật độ cây xanh của các đô thị Việt Nam chỉ từ 2 – 3m2/người, trong khi đó chỉ tiêu quốc gia là 7m2/người và chỉ tiêu tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10m2/người. Các đô thị ở Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức rất lớn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là thiếu các công viên cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống, điều hòa không khí và tạo không gian cảnh quan. Nhiều đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, tỷ lệ cây xanh thấp do thiếu quy hoạch và do chưa quan tâm đúng mức tới sự phát triển của không gian xanh.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết tính đến tháng 12/2021, cả nước đã có 869 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 91 đô thị loại IV và 674 đô thị loại V. Theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích đất xây dựng theo quy hoạch khoảng trên 6 triệu ha, diện tích đất cây xanh khoảng trên 70 nghìn ha (một số địa phương không báo cáo, hoặc không có số thống kê), chiếm tỷ lệ hơn 1,2% (thấp hơn so với quy chuẩn đặt ra).
Tuy nhiên, tỉ lệ cây xanh cũng như quy hoạch mảng xanh trong phát triển đô thị nói chung và các dự án nhà ở nói riêng vẫn còn yếu về chất lượng và thiếu về số lượng. Việc trồng cây xanh ở những nơi công cộng vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, thiếu quy hoạch về lựa chọn, bố trí loại cây trồng phù hợp ở từng công trình, từng địa phương. Thực tế, tại các khu dân cư hiện nay, mảng xanh, cây xanh chưa thực sự được quan tâm và đầu tư đúng mức. Đồng thời, ở các dự án khu dân cư mới, chủ đầu tư đa số thường chỉ tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật mà chưa chú trọng đầu tư xây dựng các khu công viên cây xanh theo quy hoạch.
Tỷ lệ cây xanh đô thị của Hà Nội, theo số liệu của Sở Xây dựng, mới đạt khoảng 7,78m2/người (tính đến tháng 12/2023) và tỷ lệ này sẽ thấp hơn khi vừa qua bão số 3 gây ra gãy, đổ hơn 40.000 cây bóng mát. Như vậy, để đạt được tiêu chí này thì quỹ đất dành cho cây xanh cần tăng lên.
Bên cạnh đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông cũng quá thấp, hầu hết mới chỉ đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị, trong khi đó tỷ lệ này phải đạt khoảng 20 - 26%. Mật độ đường thấp và phân bổ không đều, ở TP Hà Nội và TP. HCM đạt khoảng 2 - 4km/km2, trong khi chỉ tiêu quy định là 4 - 6km/km2. Diện tích dành cho giao thông tĩnh hạn chế, hầu hết chưa đạt đến 1% đất xây dựng đô thị, trong khi đó, theo quy định phải đạt từ 3 - 5% đất xây dựng đô thị. Hơn nữa, giao thông công cộng chưa đáp ứng yêu cầu, tại Hà Nội và TP.HCM, khối lượng vận tải hành khách công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 10%.
Theo Phòng Quản lý cây xanh, chiếu sáng và công trình ngầm Sở Xây dựng Hà Nội, để phấn đấu tăng diện tích xanh đô thị bình quân người trên địa bàn thủ đô, thành phố Hà Nội đã có kế hoạch cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có, xây dựng mới 10 công viên và các công viên, vườn hoa khác do UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư đăng ký triển khai thực hiện, cụ thể:
Về công tác cải tạo: Đến nay, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 15/45 công viên, vườn hoa hiện có và tiếp tục hoàn thành 13/45 công viên, vườn hoa trong năm 2024. Dự kiến năm 2025 sẽ tiếp tục hoàn thành 14/45 công viên, vườn hoa.
Về việc xây dựng mới các công viên vườn hoa: dự kiến đến hết năm 2024, 4/10 công viên cơ bản hoàn thành và mở cửa phục vụ nhân dân.
Để khắc phục tình trạng thiếu cây xanh tại các khu đô thị, theo đại diện Sở Xây dựng cần tập trung rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai các dự án đầu tư phát triển công viên, vườn hoa, đáp ứng diện tích xanh đô thị; yêu cầu các chủ đầu tư khi triển khai các dự án giao thông, các dự án phát triển đô thị phải thực hiện đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đó có cây xanh; đảm bảo tuân thủ đúng các chỉ tiêu về cây xanh theo quy hoạch chi tiết được duyệt và triển khai đồng bộ với việc triển khai các hạng mục của dự án; không chuyển đổi diện tích cây xanh sang các mục đích khác.
Nhiều chuyên gia cũng đưa ra đề xuất việc điều chỉnh các quy chuẩn và tiêu chuẩn về giá trị tỷ lệ hay mật độ cây xanh theo xu hướng bảo vệ môi trường trong việc cân bằng hấp thụ CO2 và tạo O2 so với số lượng dân cư qui hoạch tổng thể và qui hoạch đơn vị ở.
Giải pháp về quản lý cây xanh
TS.KTS Phạm Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng cần có cuộc “cách mạng” trong quản lý cây xanh bởi cây xanh đô thị không chỉ làm đẹp TP, làm phong phú cuộc sống văn hóa dân cư đô thị mà còn có ý nghĩa kinh tế và tác dụng phòng hộ, điều tiết cải thiện khí hậu. Thế nên việc chăm sóc, bảo dưỡng và chữa bệnh cho cây xanh phải được quan tâm chú trọng.
“Trước hết cần phải tăng cường trồng - chăm sóc - quản lý cây xanh ở khắp mọi miền đất nước. Với đề án trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ đề ra, cần phải có một kế hoạch bài bản, khoa học để triển khai hiệu quả. Trồng cây xanh đi liền với đầu tư chăm sóc bảo vệ - giám sát - kiểm tra thường xuyên số lượng, chất lượng các loài cây đã được trồng, cần quan tâm đúng mức trồng các loài cây có nguồn gốc, bản địa ở từng vùng sinh thái một cách phù hợp để sinh tồn và phát triển”, TS.KTS Phạm Anh Tuấn đưa ra ý kiến.
Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn, việc trồng cây xanh cần phải gắn liền với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ môi trường, nghiên cứu vận dụng các lý luận khoa học về hệ thống sinh thái đô thị, sinh thái nông thôn, sinh thái kinh tế, sinh thái xã hội nhằm làm cơ sở điều chỉnh hợp lý, hài hòa trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.
Với thành phố Hà Nội, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn và vị trí địa chiến lược của Thủ đô, việc lập quy hoạch chung là cần thiết có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho sự phát triển toàn diện, bền vững, làm cơ sở cho việc quản lý và đầu tư phát triển Thủ đô Hà Nội vì liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc và sự phát triển ổn định bền vững của địa phương và cả nước.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội Nguyễn Đức Hưng cho rằng, để nâng cao chất lượng, quản lý cây xanh đô thị, các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế chính sách, bảo đảm việc thực thi được các quy hoạch, kiến trúc và kế hoạch phát triển hệ thống cây xanh đã được phê duyệt; xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ để thực hiện và quản lý, giám sát, duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng đô thị sau đầu tư nói chung và hệ thống cây xanh nói riêng.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các phường, công an, các đơn vị, tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị; Xây dựng và thực thi các chế tài nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, tổ chức cá nhân không thực hiện theo quy định quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị.
Các đơn vị chức năng cần tiếp tục triển khai nghiên cứu, rà soát sửa đổi các quy định có liên quan đến cây xanh như Nghị định 64/2010 về quản lý cây xanh đô thị; quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch đô thị; Tiêu chuẩn, các định mức kinh tế kỹ thuật về cây xanh đường phố để phục vụ quản lý và xây dựng không gian xanh cho các đô thị Việt Nam.
Theo các chuyên gia, cần phải coi trọng công tác chăm sóc cây xanh và đảm bảo không gian xanh cho thành phố, có lực lượng chịu trách nhiệm từ các khâu lập chiến lược phát triển không gian xanh công cộng đến quy trình bảo vệ, đánh giá, chăm sóc, chữa bệnh cho cây và cả việc bồi thường khi cây xanh gãy ngã,…Việc di dời hay bảo tồn cây xanh cần phải có sự tham gia của các nhà khoa học để đánh giá, xem xét trước khi thực hiện.
Nâng cao nhận thức của người dân và vai trò của báo chí với cây xanh
Ở một số quốc gia trên thế giới, song song với chính quyền, cư dân địa phương cũng có thể tham gia vào công tác chăm sóc cây xanh đô thị và chính quyền tạo điều kiện cho họ thực hiện công tác “đồng quản lý” này. Tại Munich, Đức, cư dân thành phố có thể ký thoả thuận để duy trì diện tích cây xanh thường xuyên bằng cách tưới nước, nhổ cỏ dại và dọn rác. Trong khi đó ở Melbourne, Úc, sự tham gia liên tục của cộng đồng là yếu tố cần thiết để duy trì chất lượng rừng đô thị.
Người Nhật có văn hóa bảo vệ cây xanh, đặc biệt cây sống lâu năm. Họ quan niệm con người chìm đắm vào màu xanh của thiên nhiên có thể giúp chữa lành vết thương về tâm trí và thân thể. Chính vì vậy, bảo vệ cây xanh trong đó có cây cổ thụ đang mang lại sức khỏe cho con người, giúp con người có sự thoải mái. Bảo tồn cây xanh nói chung và cây cổ thụ ở các địa phương nói riêng còn là bảo tồn nguồn gen thực vật - làm phong phú sự đa dạng sinh học ở vùng miền.
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, cần sự nỗ lực và chung tay của cả cộng đồng xã hội và để đạt hiệu quả cao phụ thuộc rất nhiều vào công tác tuyên truyền bởi thông qua truyền thông, các quy định, chính sách liên quan đến quản lý phát triển cây xanh đã được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ban hành cùng với các chương trình, đề án cụ thể sẽ đến được với người dân. Tuyên truyền sẽ làm thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ của mỗi người và của cả xã hội theo hướng thân thiện với môi trường.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết nối mọi thành phần trong xã hội, cộng đồng, để bảo vệ môi trường không khí trong lành, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng khôn khéo các nguồn vốn xanh tự nhiên trong nhân tạo để góp phần thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, thích ứng với Biến đổi khí hậu trong phát triển bền vững.
Tuy nhiên, không phải mọi cách tiếp cận đều phù hợp. Để cộng đồng làm việc cùng nhau cải thiện điều kiện sống cho cây xanh đô thị, thì cần có sự thảo luận kỹ lưỡng và tích hợp những giải pháp vào các kế hoạch quản lý ngay từ đầu.
Đúng như nhận xét của PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị ĐH Lâm nghiệp đúc rút: “Những tồn tại chính liên quan đến phát triển cây xanh đô thị ở nước ta hiện nay xuất phát từ 3 nguyên nhân: chọn loài cây trồng; tiêu chuẩn cây giống và chưa có quy hoạch.
Theo Viện trưởng Viện kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị ĐH Lâm nghiệp, giải pháp để cây xanh đô thị phát triển phải dựa trên các yếu tố bao gồm: chọn loại cây phù hợp với từng loại hình đất cây xanh đô thị; quy hoạch, thiết kế trồng cây; quản lý cây đã trồng lâu năm (cây cổ thụ); quản lý cây mới trồng; ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý cây xanh; nghiên cứu hoàn thiện các thuật ngữ và tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến cây xanh đô thị và bồi dưỡng nhân lực trong lĩnh vực cây xanh đô thị.