Emagazines

Cây xanh đô thị tại Việt Nam (Bài 2): Thiếu không gian xanh do đâu?

Lam Trinh 28/10/2024 11:31

Trồng nhiều cây xanh là một trong những giải pháp hợp lý nhất trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu nhưng ở Việt Nam, mật độ cây xanh tại nhiều đô thị lớn lại đang giảm dần. Nguyên nhân vì đâu?

cay-xanh-k1.jpg

Tốc độ đô thị hóa nhanh

Nguyên nhân đầu tiên khiến cho không gian xanh ở các thành phố bị thu hẹp có thể nhắc đến đó là tốc độ đô thị hóa. Không chỉ các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM hình thành nhiều khu đô thị mới, tòa nhà cao tầng mà ngay cả các đô thị trực thuộc tỉnh cũng xuất hiện nhiều khu đô thị, nhà cao tầng. Kéo theo đó là mật độ dân cư gia tăng, đường giao thông được mở rộng do áp lực gia tăng các phương tiện tham gia giao thông, nhiều bề mặt bị bê tông hóa để phục vụ các nhu cầu khác của cuộc sống…khiến cho không gian xanh các đô thị bị thu hẹp.

capture(2).png
Tốc độ đô thị hóa nhanh là một trong những nguyên nhân khiến không gian xanh ở các thành phố bị thu hẹp

Theo ThS. Nguyễn Hồng Giang (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), khái niệm hạ tầng xanh (HTX) lần đầu tiên được đề xuất bởi hai nhà nghiên cứu Mark A. Benedict và Edward T. McMahon từ năm 2002, theo đó, hạ tầng xanh là “… một mạng lưới liên kết những không gian xanh nhằm bảo tồn các giá trị và chức năng của hệ sinh thái, đồng thời mang đến các lợi ích cho con người”.

Khái niệm HTX được mở rộng hơn, không chỉ bao gồm các không gian xanh mà còn là “các nguồn tài nguyên sinh vật trong đô thị được con người điều chỉnh để phục vụ các chức năng sinh thái và mang lại lợi ích cho con người (Matthews và cộng sự, 2015). Khái niệm HTX còn được sử dụng thay thế cho các khái niệm hạ tầng Xanh – Xanh (Blue – Green Infrastructure), hạ tầng nước mưa xanh (Green Stormwater Infrastruture) hay phát triển tác động thấp (Low – Impact Development).

Môi trường đang là một trong những vấn đề “nóng” hiện nay, là vấn đề được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị suy giảm, cạn kiệt cả về số lượng lẫn chất lượng. Tình trạng rừng bị tàn phá, kể cả rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ nhằm khai thác gỗ hoặc lấy đất canh tác…gây nên hàng loạt các thiên tai, gây biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, phát triển HTX góp phần bảo tồn thiên nhiên; cải thiện đáng kể chất lượng nước, giảm thiểu ngập úng, hạn chế suy giảm nước ngầm; cải thiện chất lượng không khí, hạn chế bức xạ mặt trời, giảm độ ẩm và tạo nguồn ô xy dồi dào, hấp thụ nguồn khí thải độc hại và tăng cường sự đa dạng sinh học của môi trường và cải thiện chất lượng môi trường sống theo hướng tích cực. Đảm bảo cho con người sống trong môi trường xanh - sạch - đẹp, đảm bảo mối quan hệ hài hòa thật sự giữa con người, xã hội và tự nhiên nhằm thỏa mãn nhu cầu sống của thế hệ hiện tại, nhưng không cản trở các thế hệ tương lai có cơ hội thỏa mãn nhu cầu của họ về tài nguyên và môi trường.

nga-3-hung-vuong-k2.jpg
Ngã ba Hùng Vương, một trong những con đường đẹp nhất của thủ đô Hà Nội với những hàng cây xà cừ quanh năm xanh mát

“Hạ tầng xanh không chỉ đơn giản là trồng nhiều cây xanh hay xây dựng các không gian xanh đô thị mà còn rất nhiều các giải pháp phải được thực hiện đồng thời và trên tất cả các quy mô (từ quy mô nhà ở, đơn vị ở, đô thị đến quy mô vùng).

ThS. Nguyễn Hồng Giang (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội)

“Khái niệm trên đã nâng tầm các không gian xanh trong đô thị thành một hệ thống hạ tầng có vai trò quan trọng bao gồm cả các hạ tầng thiết yếu khác của đô thị như giao thông, thoát nước, cấp nước, xử lý nước thải, chiếu sáng và năng lượng, thông tin liên lạc và các công trình hạ tầng xã hội bao gồm công viên, cây xanh, không gian công cộng… theo hướng xanh, an toàn, thân thiện với tự nhiên và bền vững. Chúng được quy hoạch, đầu tư xây dựng, kết nối, bảo tồn, tăng cường hoặc thiết lập nhằm góp phần giải quyết các vấn đề của đô thị hóa”, ThS. Nguyễn Hồng Giang đưa ra ý kiến.

Thiên tai và thiếu nguồn lực chăm sóc

Một nguyên nhân nữa là do thiên tai tàn phá, cộng với việc trồng không đúng quy trình kỹ thuật, không được chăm sóc do thiếu nguồn lực và các hành vi gây hại tới cây xanh của con người …khiến cho lượng cây xanh đô thị vẫn chưa đạt được tỷ lệ như mục tiêu đề ra.

Điển hình như TP Hà Nội. Theo Nghị quyết số 06-NQ/TW mà Bộ Chính trị đã ban hành, đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8 m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8 - 10 m2/người.

Để đảm bảo chỉ tiêu diện tích cây xanh bình quân trên người dân đô thị đạt khoảng 6-8m2/người đến năm 2025, UBND TP Hà Nội đã báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố, phấn đấu đến năm 2025 đạt 7,8-8,1m2/người. Đến cuối năm 2023, theo thống kê về diện tích xanh đô thị, bình quân người dân đô thị mới đạt 7,78 m2/người. Tuy nhiên, sau cơn bão số 3, chắc chắn Hà Nội sẽ không giữ được tỷ lệ này do hàng chục nghìn cây xanh đô thị bị gãy, đổ.

Theo Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến ngày 13/9, bão số 3 đã làm trên 40.000 cây trên địa bàn thành phố đổ và gãy cành trong đó, số cây xanh đô thị (cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác... do TP quản lý theo phân cấp) là 13.615 cây. Số cây bị gãy đổ trong các khu đô thị, cơ quan, đơn vị do quận, huyện, thị xã quản lý là hơn 26.300 cây xanh. Qua công tác rà soát, phân loại, lực lượng chức năng xác định chỉ có khoảng 3.082 cây có khả năng sống, có thể trồng lại còn phải thay mới.

z5912681704432_db1128e6f292041b88d9d1f49c8ce7e6.jpg
Cứ đầu mùa mưa bão, lực lượng chức năng lại tiến hành tỉa cành tạo tán cho cây nhưng khâu chăm sóc, dưỡng cây sau cắt tỉa lại chưa được quan tâm

Theo các chuyên gia, những thiệt hại do bão số 3 gây ra với hệ thống cây xanh của Thủ đô là vô cùng lớn. Bởi, trong giai đoạn 2016 - 2020, theo chương trình trồng 1 triệu cây xanh, các đơn vị chức năng TP Hà Nội mới chỉ trồng được 987.187 cây bóng mát, cây lâm nghiệp các loại, 113.155 cây đơn lẻ; hay trong giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đề ra là trồng mới 500.000 cây xanh đô thị nhưng đến nay mới trồng mới được 147.000 cây xanh… Thế nhưng, bão số 3 đi qua đã cướp đi của Hà Nội hàng vạn cây xanh, thiệt hại có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Điều đáng nói, trong hàng chục nghìn cây xanh gãy đổ do mưa bão, nhiều cây có dấu hiệu chưa được trồng theo đúng quy trình, kỹ thuật, còn ni lông quấn bầu đất, nhiều cây xanh được trồng rất nông so với mặt đường, hố trồng cây phía dưới đầy trạc thải, xà bần, phế thải xây dựng... không bảo đảm cho sự phát triển của cây. Chưa kể việc chăm sóc, bảo dưỡng cây sau cắt tỉa cành chưa được quan tâm và sự thiếu ý thức bảo vệ của một số cá nhân, có các hành vi gây hại đến sự khỏe mạnh của cây, nhất là cây cổ thụ,.. là lý do khiến cây xanh bị tổn thương.

Các hành vi vứt rác, phóng uế bừa bãi dưới các gốc cây, đóng đinh treo biển quảng cáo một cách tự do hoặc đóng đinh căng dây làm trụ treo dẫn dây cáp điện, điện thoại, làm nơi gửi xe, làm nơi đổ vật liệu xây dựng, thậm chí chặt phá, hủy diệt cây xanh, …là những hành vi thiếu văn minh, sống thiếu trách nhiệm với môi trường nói chung, cây xanh nói riêng. Chính vì những hành vi này mà hiện nay một số cây không còn gặp ngay cả ở Hà Nội như: Cây ô môi, cây gụ mật, cây đào tiêu, cây bơ, cây phượng tím...

Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, chúng ta mới đặt mục tiêu trồng cây mà chưa chú trọng tới việc chăm sóc, dưỡng cây. Tại nhiều khu đô thị, TP lớn ở Việt Nam cây xanh trồng trên các tuyến đường, hố trồng có kích thước không bảo đảm tiêu chuẩn, xung quanh bị lu lèn các vật liệu xây dựng, hệ thống hạ tầng khiến hệ rễ cây bị xâm hại nghiêm trọng. Rễ non sau này mọc ra không có nhiều khả năng phát triển và bám đất, vì vướng vào các công trình ngầm.

thay-tuan.png

Ngoài việc cây xanh bị sâu mục theo quy luật tự nhiên thì một nguyên nhân khác khiến cây bị sâu bệnh chính là kỹ thuật cắt tỉa cành của đơn vị chức năng. Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn, để bảo đảm cây xanh phát triển tốt thì sau khi tiến hành cắt tỉa cành, tạo tán cho cây xanh đô thị trước mùa mưa bão, lực lượng chức năng phải tiến hành bảo vệ vết thương trên cây bằng lớp màng ngăn chặn nước mưa và nấm mốc xâm nhập. Trong khi trên thực tế, đầu mùa mưa bão, đơn vị chức năng lại tiến hành cắt tỉa cành, tạo tán cho cây nhưng việc bảo vệ vết cắt cho cây lại chưa được tính đến.

capture(3).png
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh đô thị chính là sự chỉnh trang đô thị, cải tạo vỉa hè

Việc duy trì, chăm sóc, bảo vệ và phát triển các quần thể cây xanh trên đường phố, đại lộ, trên các bờ sông, bờ biển, trên đường làng, hẻm phố, các vùng xây dựng nông thôn mới cũng chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta đã có Đề án trồng 1 tỷ cây xanh nhưng vẫn chưa có một chương trình giám sát, kiểm tra tổng thể về kết quả của chương trình trồng cây xanh trong quá trình kiến thiết, xây dựng, phát triển đất nước qua các thời kỳ.

Việc thiếu đầu tư chăm sóc, bảo vệ đã làm suy giảm hiệu quả vai trò cây xanh trong bảo vệ môi trường, trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí và nhất là trong thời kỳ biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hiện nay.

TS.KTS Phạm Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội

Và do những vỉa hè được làm mới

Một nguyên nhân nữa khiến cây xanh đô thị có nguy cơ gãy đổ lại xuất phát từ chính các dự án cải tạo hạ tầng, chỉnh trang đô thị, lát lại vỉa hè. Đã đành việc chỉnh trang đô thị, lát lại vỉa hè nhằm làm đẹp phố phường, để bộ mặt đường phố được khang trang, sạch đẹp hơn nhưng việc đưa ra một khuôn mẫu nhất định cho diện tích bồn cây đã vô hình chung buộc nhiều cây xanh đường phố vào tình thế bị cắt gọt bớt gốc, rễ, thậm chí nhiều cây gần như nổi cả gốc cây lên trên, lúc nào cũng trực gãy, đổ.

Điển hình như đường Mễ Trì của quận Nam Từ Liêm, vỉa hè đã được cải tạo từ đầu năm nhưng đến nay các hàng cây vẫn không được vun đắp cẩn thận. Nhiều cây lộ bầu, trơ một phần gốc với nham nhở các rễ bị cắt gọt không phải là hiếm. Theo khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội, trong dịp lát lại vỉa hè vừa qua, việc làm lộ bầu, tổn thương cây xanh xảy ra tại 23 tuyến phố thuộc 7 quận nội thành. Việc cắt bỏ rễ cây xanh một cách không thương tiếc không chỉ làm tổn thương cây xanh, dẫn tới cây bị chết, chậm phát triển mà việc thu gọn rễ bám, không cân xứng với độ che phủ của tán cây bên trên cũng là nguyên nhân dẫn tới nguy cơ đổ, gãy cây mỗi khi mưa bão xảy ra.

Giữa đô thị, những hàng cây xanh không chỉ đơn thuần là cảnh quan, mang đến sức sống, bóng mát và cảm giác bình yên mà còn là biểu tượng của cơ sở hạ tầng xanh, hữu ích cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Thế nhưng nguy cơ khiến cây xanh đô thị dễ gãy đổ lại xuất phát từ chính các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị.

ky-2-a.jpg
Một cây xanh trên đường Mễ Trì lộ gần hết bầu cây trên mặt đất, tiềm ẩn nguy cơ đổ gãy

Theo ông Nguyễn Đức Hưng-Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng Hà Nội thì các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo vỉa hè hầu hết do UBND các quận huyện thực hiện và hay triển khai vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, nếu như các quận huyện chỉ đáp ứng việc của mình là lát vỉa hè đúng kỹ thuật thì lại không giữ được cây xanh đường phố.

o-hung.png

TS.KTS Phạm Anh Tuấn thì cho rằng, vì cây xanh đô thị có vai trò quan trọng trong đời sống của con người, không những làm đẹp thành phố, làm phong phú cuộc sống văn hóa dân cư đô thị mà còn có ý nghĩa kinh tế và tác dụng phòng hộ, điều tiết cải thiện khí hậu vì vậy phải đảm bảo các yếu tố cho cây phát triển. Thế nhưng, tại nhiều khu đô thị, TP lớn ở Việt Nam cây xanh trồng trên các tuyến đường, hố trồng có kích thước không bảo đảm tiêu chuẩn. Hơn nữa, xung quanh các hố là vật liệu xây dựng, hệ thống giao thông đã được lu lèn bảo đảm yêu cầu kỹ thuật hoặc là phần vật liệu phục vụ công tác hoàn thiện mặt bằng… Đây không phải là môi trường sống lý tưởng cho cây xanh.

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho rằng, diện tích đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị hiện mới chiếm tỷ lệ khoảng 1,2%, thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị.

Nguyên nhân do quỹ đất ở đô thị eo hẹp, nguồn vốn đầu tư thực hiện phát triển, duy trì cây xanh, công viên đô thị chủ yếu từ ngân sách nên chưa phát huy được hiệu quả. Việc quản lý, duy trì và phát triển quỹ đất cây xanh đô thị tại nhiều thành phố chưa được quan tâm đúng mức.

“Hầu như các địa phương chưa có kế hoạch đầu tư lâu dài các quỹ đất được quy hoạch làm công viên, cây xanh, cũng như chưa xây dựng kế hoạch phát triển cây xanh hằng năm. Điều này khiến đô thị Việt Nam có mức độ xanh hóa rất thấp so với các nước trên thế giới, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đô thị”

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp

Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp đánh giá, phát triển cây xanh ở một số địa phương còn manh mún, chưa được quy hoạch thống nhất, đồng bộ; việc phối hợp giữa cơ quan quản lý trực tiếp cây xanh với các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế. Vốn đầu tư cho phát triển rừng còn hạn chế, phân bổ còn chậm, mức hỗ trợ trồng cây, trồng rừng còn thấp so với yêu cầu thực tiễn.

capture(4).png
Việc quản lý, duy trì và phát triển quỹ đất cây xanh đô thị tại nhiều thành phố chưa được quan tâm đúng mức

Theo Bộ Xây dựng, việc trồng cây xanh ở đô thị còn hạn chế do đang thiếu quy định, phương thức huy động, sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách để phát triển công viên, cây xanh tại các đô thị. Nguyên nhân do các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí các loại và hỗ trợ tài chính từ ngân sách cho phát triển công viên, cây xanh đô thị không thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố.

Bài liên quan
  • Cây xanh đô thị ở Việt Nam (Bài 1): Vai trò và thực trạng phát triển
    Trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang nóng lên, các thành phố trên khắp thế giới đang phải hứng chịu những đợt nắng nóng thường xuyên và cực đoan hơn thì việc trồng nhiều cây xanh là một trong những giải pháp phù hợp nhất để giảm tác động do nhiệt độ tăng cao trong môi trường đô thị. Tại Việt Nam, số đô thị lớn đã có những chương trình, đề án phát triển cây xanh tuy nhiên, tỷ lệ cây xanh ở các thành phố lớn, khu vực đô thị vẫn còn thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cây xanh đô thị tại Việt Nam (Bài 2): Thiếu không gian xanh do đâu?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.