Chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc

Minh Hà|20/07/2020 10:22
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai vừa ban hành thông báo gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía bắc, về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất.

Văn bản nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ chiều tối và đêm 19-7, khu vực Tây Bắc và Việt Bắc đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/24 giờ, có nơi hơn 150mm/24 giờ. Đợt mưa này khả năng kéo dài trong 2 – 3 ngày tới.

Từ ngày 20 đến 22-7, trên khu vực thượng lưu hệ thống sông Hồng – Thái Bình và các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 – 4m; đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao, sông Chảy và các sông suối nhỏ có khả năng đạt mức báo động 1.

Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên. Rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất cấp 1.

Để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân, đặc biệt là việc sơ tán di dời dân cư ở các khu vực có nguy cơ cao.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tuyến thông tin cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lũ.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn đập và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu. Bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Ảnh minh họa

Lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn nhất về người và tài sản. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, nếu chủ động các biện pháp phòng tránh cũng như nâng cao ý thức người dân thì những mất mát lớn sẽ không xảy ra.

Trước một đợt mưa lớn đang diễn ra ở vùng núi phía Bắc, bà con ở đây đã có những chuẩn bị như thế nào cho các tình huống có thể xảy ra?

Liên tiếp 3 tháng qua, tại Lai Châu đã xảy ra nhiều trận lũ quét, sạt lở đất khiến 21 người thương vong, hơn 8.000 ngôi nhà bị sập, hư hỏng, ước tính thiệt hại trên 175 tỷ đồng. Đáng nói là lũ quét, sạt lở đất thường ập đến rất bất ngờ. Ngoài cảnh báo sớm thì công tác tuyên truyền sâu rộng, sự chủ động và ý thức phòng tránh của cộng đồng dân cư cũng rất cần thiết.

Qua thực tế, nhiều nơi bà con vẫn còn lơ là, chủ quan, chưa chủ động các biện pháp ứng phó thiên tai. Vẫn dựng nhà, dựng lán ở ven sông suối, dưới chân đồi. Từ đó cho thấy việc tuyên truyền là chưa đủ, rất cần cả ý thức của người dân.

Ngoài Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái cũng nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất rất cao vào mỗi năm.

Đứng trước một đợt mưa, việc nâng cao ý thức phòng tránh lũ quét, sạt lở đất không chỉ giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại mà còn tự cứu chính mình khi thiên tai ập đến. Có như vậy công tác phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại mới thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn.

Minh Hà

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.