Đắk Lắk: Dân kêu cứu vì mùi hôi kinh khủng từ trang trại chăn nuôi bủa vây khu dân cư

Ngọc Ánh (T/h)|26/05/2019 07:09
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trên địa bàn xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) lâu nay tồn tại hàng chục trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm giữa khu đông dân cư ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của hàng trăm hộ dân.

Ô nhiễm bủa vây khu dân cư

Những năm gần đây trên địa bàn thôn 3 xã Cư EEbur, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi gà và lợn ngay trong khu dân cư.

Thời gian trước do tình làng nghĩa xóm nên những hộ dân ở đây chỉ nhắc nhở các chủ trang trại này đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, mô hình này ngày càng phát triển lên tới hàng trăm, hàng nghìn con khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề.

Trang trại chăn nuôi nằm bên cạnh trường học. Ảnh: Trúc Hân

Vừa qua do không chịu đựng được tình trạng ô nhiễm nên hàng chục người dân đã đứng đơn cầu cứu gửi lên các cơ quan chức năng.

Ông N.T.K (xã Cư Êbur) cho biết, ông đã sinh sống ở đây được nhiều năm nay. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây cuộc sống gia đình ông bị đảo lộn khi không khí luôn có mùi hôi thối.

Những ngày cuối tuần gia đình ông không đi làm, con cái nghỉ học cũng không dám mở cửa vì mùi chất thải từ các trang trại bốc lên nồng nặc.

“Cứ trưa nắng là mùi hôi thối lại bốc lên rồi theo gió tạt sang nhà các hộ dân sống lân cận. Xung quanh khu vực này cũng có đến chục các trang trại lớn, nhỏ. Chất thải của gà, lợn thi nhau bốc mùi, vậy mà chúng tôi phải chung sống hàng chục năm qua. Ngay cả buổi tối, có khi mùi hôi nặng quá gia đình tôi phải đeo khẩu trang để ngủ”, ông K lắc đầu nói.

Cũng bị các trang trại bủa vây xung quanh nhà, ông N.V.M cho hay, mặc dù nhắc nhở nhiều lần nhưng các trang trại vẫn không đảm bảo vệ sinh môi trường. Không những vậy có nhà còn xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngoài mùi hôi thối, nước thải còn là nơi phát sinh ruồi muỗi và các vi khuẩn gây bệnh

Theo những người dân tại đây cho hay, những năm qua nhiều người già và trẻ nhỏ thường xuyên phải vào bệnh viện khám bệnh do viêm phổi, có vấn đề về đường hô hấp.

“Sau một ngày đi làm mệt mỏi chúng tôi không có được bữa cơm trọn vẹn, một giấc ngủ ngon bởi mùi hôi thối luôn nồng nặc. Chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý để trả lại cho người dân không khí trong lành, sức khỏe không bị đe dọa”, ông M nói.

Kiên quyết Xử lý triệt để

Theo ghi nhận, các trang trại chăn nuôi gà, lợn tập trung nhiều ở khu dân cư. Có những trang trại chỉ nằm cách nhà dân vài chục mét, chất thải không được xử lý sạch sẽ nên bốc mùi tanh, hôi thối.

Không những vậy, bên cạnh trường mầm non và trường tiểu học của thôn 3 cũng xuất hiện trang trại nuôi gà với số lượng hàng nghìn con đe dọa sức khỏe của giáo viên và các em học sinh.

Bà H’Luanh Êban – Phó chủ tịch UBND xã Cư Êbur cho biết, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đã được nhiều năm nay. Bên cạnh đó, do điều kiện thuận lợi nên quy mô của các trang trại ngày càng phát triển.

Hiện nay, toàn xã có 47 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó có 8 trang trại, gia trại được di chuyển ra xa khu dân cư.

Theo vị phó chủ tịch xã, do sự phát triển nhanh của chăn nuôi tại địa phương nên tình trạng ô nhiễm cũng tăng lên, do đó, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các chủ trang trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, chính quyền cũng yêu cầu các chủ trang trại kí cam kết vệ sinh môi trường và khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Cũng theo bà H’Luanh, chăn nuôi là nghề mang lại thu nhập chính cho người dân ở đây. Do đó, việc yêu cầu các hộ chăn nuôi dừng ngay việc nuôi gia súc, gia cầm là không thể. Mặc dù khu quy hoạch chăn nuôi đã có, nhưng hiện nay chưa đủ cơ sở hạ tầng nên người dân không đồng ý di chuyển.

“Trong tuần tới, chính quyền xã sẽ chỉ đạo cán bộ chuyên môn đi tuyên truyền, kiểm tra và xử lý các trang trại gây ô nhiễm môi trường. Nếu nhắc nhở mà các trang trại không khắc phục thì đơn vị sẽ báo cáo cấp trên để có hướng xử lý”, bà H’Luanh khẳng định.

Thời gian tới, xã Cư Êbur sẽ tăng cường công tác vận động để việc di dời các trang trại chăn nuôi trên địa bàn sớm được thực hiện, không gây ảnh hưởng đến người dân như hiện nay.

Ngọc Ánh (T/h)

Bài liên quan
  • Đắk Lắk: Những cánh rừng phòng hộ dọc Quốc lộ 29 đang ‘chảy máu’
    Moitruong.net.vn – Hàng chục hécta rừng tự nhiên, rừng phòng hộ dọc Quốc lộ 29, khu vực giáp danh giữa xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp và xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đang bị chặt phá, lấn chiếm sang nhượng trái phép khiến cả chủ rừng và chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Dân kêu cứu vì mùi hôi kinh khủng từ trang trại chăn nuôi bủa vây khu dân cư