Dinh Cậu đẹp huyền ảo trong ánh hoàng hôn

24/03/2018 03:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)– Trong các điểm tham quan ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Dinh Cậu được xem như biểu tượng đặc trưng của hòn đảo này. Nơi đây cuốn hút rất nhiều du khách không chỉ vẻ đẹp kỳ thú do thiên nhiên ban tặng mà còn vì sự huyền bí, linh thiêng qua những truyền thuyết xa xưa.

Khung cảnh Dinh Cậu lúc hoàng hôn

Thật ra thì phải gọi chung là Dinh Bà – Dinh Cậu, vì hai di tích này gần nhau. Khi đặt chân đến đảo, anh tài xế là người địa phương nói với chúng tôi rằng hãy đợi sau 5 giờ chiều để còn xem mặt trời lặn. Thật vậy, bình thường chúng tôi ở ven biển, chỉ nhìn thấy mặt trời mọc ở hướng Đông, còn hướng Tây là đất liền và núi cho nên không thể nào nhìn mặt trời lặn.

Xe chở chúng tôi đến cuối đường Võ Thị Sáu, bỏ chúng tôi ngay khoảng đất trước Dinh Bà. Chúng tôi ghé vào thắp nén nhang đợi chiều xuống. Dinh Bà còn được gọi là Thủy Long Thanh Mẫu hay còn được người dân trên đảo Phú Quốc gọi là thần nữ Kim Giao. Bà được xem là người đầu tiên khai phá ra mảnh đất Đảo Ngọc này. Truyền thuyết kể rằng, Thủy Long Thánh Mẫu là người phụ nữ thuộc dòng họ của vua chúa Campuchia thời nay. Bởi lúc bấy giờ, triều đình bà bị lật đổ vì thế bà đã tìm cách trốn sang huyện đảo Phú Quốc nhằm trốn kẻ thù để sinh sống. 

Đền thờ Thủy Long Thanh Mẫu

Bên cạnh Dinh Bà, Dinh Cậu tọa lạc tại một vị trí rất đẹp trên một ghềnh đá có hình thù kỳ quái vươn ra biển. Dinh Cậu sừng sững hiên ngang trước sóng to gió lớn. Ghềnh đá thiên tạo như trái núi hình thù rất lạ mắt, ba bề sóng vỗ, xung quanh là bãi đá lô nhô. Đỉnh núi được điểm tô bằng ngôi miếu cổ, mái ngói rêu phong. Dinh Cậu hiện ra đầy huyền ảo, ấn tượng trước mắt du khách. Có lẽ vì điều đặc biệt này không nơi nào có được nên Dinh Câu được xem như là biểu tượng đặc trưng của đảo Phú Quốc. Bên dưới vách đá, những cây cổ thụ bám vách ngả ra tạo bóng mát, rễ cây rủ xuống làm duyên.

Để đi lên miếu cổ Dinh Cậu, chúng tôi phải leo hết 29 bậc thang nhỏ. Bên hành lang là hàng cột đúc bằng xi măng với những câu liễn đắp nổi bằng chữ Hán thể hiện sự tôn kính của nhân dân về Dinh Cậu.

Toàn cảnh Dinh Cậu nhìn từ xa

Sau khi đi hết các bậc đá, chúng tôi men theo bên trái có hành lang đi ra phía trước nhìn ra phía cửa biển. Đi vào bên trong miếu, bàn thờ Dinh Cậu nhỏ, chỉ vừa đủ cho vài người khấn vái. Từ trên cao nhìn xuống, hòn đảo Phú Quốc hiện ra trước mắt chúng tôi thật kì vĩ, bao la với sóng biển dập dờn và mây trời xanh biếc. 

Đặc biệt, đã đến với Dinh Cậu, không thể không đặt chân đến ngọn Hải đăng Dinh Cậu, xưa còn có tên là Hải đăng Đông Dương, bên dưới ngọn hải đăng là một mỏm đá nhô ra có bàn ghế đá, để sẵn trà nước cho khách có thể tự pha trà uống.

Nói đến truyền thuyết về Dinh Cậu, người dân Phú Quốc cho rằng, trước kia khu vực biển này sóng to gió lớn, rồi bỗng dưng nhô lên một mỏm đá chắn sóng. Vì vậy, người dân nơi đây đã xây lên một cái dinh thờ từ thế kỷ 17 để cầu mong thần linh che chở trước tai ương biển cả. Họ bắt đầu đến đây thờ cúng và quản lý chuyến đi ra khơi gặp sóng êm biển lặn. Tin lành đồn xa dần dần hình thành nên tục thờ cúng tại mỏm đá này và đặt tên là Dinh Cậu. 

Cảnh hoàng hôn trên biển lung linh, huyền ảo khiến nhiều người mê đắm

Sau khi rời khỏi Dinh Cậu, chúng tôi đến một quán cà phê gần bên cạnh Dinh Bà. Mọi người tới đây uống nước vào buổi chiều, nhưng chủ yếu ngắm cảnh hoàng hôn. Và quả thật , chúng tôi thực sự thỏa lòng khi nhìn thấy mặt trời đang lặn trên biển thật lung linh, huyền ảo. Cảnh sắc mây trời, bãi biển hòa trộn với nhau tạo nên một khung cảnh hữu tình trong thời khắc trước màn đêm buông xuống. Đúng như lời ca ngợi của người dân, Dinh Cậu thực sự đẹp trong bóng hoàng hôn, một cảnh đẹp khó quên trong đời.

Khuê Việt Trường


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dinh Cậu đẹp huyền ảo trong ánh hoàng hôn