UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 295/KH-UBND về việc đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân năm 2024.
Theo đó, UBND TP Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thực phẩm, đảm bảo tốt công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân. Qua đó, nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo quản lý an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành.
Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - nhận định, hiện tại TP Hà Nội có 425 chợ cung cấp các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, trong đó hơn 19.300 hộ thuộc phạm vi đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2022-2025”.
Đến nay, 1.606 cơ sở kinh doanh thực phẩm trong chợ tại 9 quận/huyện đã được cấp biển nhận diện cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong đó, quận Hai Bà Trưng có 186 biển, là một trong những quận có số cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp biển nhiều nhất tại TP Hà Nội, do UBND quận đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tích cực triển khai thực hiện đề án quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ tại TP Hà Nội.
Theo đó, mục tiêu mà kế hoạch đặt ra là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ thành phố tới xã, phường, thị trấn. Nâng cao kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm và phát hiện, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường. Qua đó, kịp thời cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn vào Hà Nội.