Theo đó, mục tiêu của kế hoạch đến năm 2030, Hà Tĩnh sẽ bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, chú trọng quan tâm bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên sản xuất. Nuôi dưỡng, làm giàu, phục hồi rừng tự nhiên, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng bằng các loại cây bản địa có khả năng phòng hộ cao. Đặc biệt, duy trì độ che phủ của rừng đạt 52% và hằng năm sẽ trồng mới thêm từ 7000 - 8000 ha rừng tập trung, trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng 400ha.
Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp bình quân đạt 3 - 4%/năm; diện tích rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 35.000ha.
Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể như: Phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho chế biến gỗ; nghiên cứu, khảo sát và phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu.
Cùng với đó, phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp; phát triển dịch vụ môi trường rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.