Emagazines

Hệ lụy môi trường từ việc san lấp trái phép đất nông nghiệp

Mai Hạ 14/04/2025 14:00

Vì lợi nhuận trước mắt mà không ít người dùng mọi thủ đoạn để san lấp trái phép đất nông nghiệp mà không biết rằng việc dùng trạc thải, xà bần và thậm chí là rác thải để san lấp mặt bằng khiến đất nông nghiệp bị hủy hoại, kéo theo những hệ lụy không nhỏ về môi trường.

dat.jpg

P/s: Trong những năm gần đây, tình trạng san lấp trái phép đất nông nghiệp đang diễn ra ngày càng phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước. Nhiều cá nhân và tổ chức đã tự ý đổ đất, san lấp mặt bằng nhằm chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp như đất ở, đất thương mại, hoặc phục vụ các dự án xây dựng mà không được sự cấp phép của cơ quan chức năng. Hiện tượng này xảy ra ở cả khu vực nông thôn và thành thị, đặc biệt là tại những nơi có tốc độ đô thị hóa cao. Việc này không chỉ làm suy giảm diện tích đất canh tác, là mối đe dọa đối với ngành nông nghiệp mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, chất lượng môi trường và an sinh xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Với mục tiêu bảo vệ đất nông nghiệp khỏi những "cuộc tấn công" trái phép, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống quyết định thực hiện Chuyên đề “Hệ lụy môi trường từ việc san lấp trái phép đất nông nghiệp” nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về tình trạng san lấp trái phép đất nông nghiệp; thông qua những cuộc phỏng vấn chuyên gia, người dân và cán bộ quản lý, làm rõ các yếu tố đang thúc đẩy tình trạng này cũng như phân tích nguyên nhân và những hệ lụy, đồng thời tìm kiếm các biện pháp can thiệp hiệu quả; đưa ra những lời cảnh báo về tương lai của đất nông nghiệp trong bối cảnh phát triển đô thị ngày càng nhanh chóng.

Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống hy vọng Chuyên đề này không chỉ là tiếng nói phản ánh thực trạng mà còn là lời kêu gọi hành động, mong muốn tất cả chúng ta, từ người dân đến các nhà hoạch định chính sách, cùng chung tay bảo vệ một tài nguyên vô giá: đất nông nghiệp.

Thực trạng san lấp trái phép đất nông nghiệp

Theo nhiều báo cáo từ các cơ quan quản lý đất đai, không ít trường hợp san lấp đất nông nghiệp diễn ra một cách lén lút một cách bất hợp pháp. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ quỹ đất nông nghiệp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nổi bật nhất vẫn là vì lợi ích kinh tế. Trong khi giá trị đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất ở và đất thương mại cao hơn rất nhiều lần so với đất nông nghiệp thì nhu cầu mở rộng diện tích đất xây dựng do áp lực đô thị hóa, khiến quỹ đất nông nghiệp bị xâm phạm. Vậy là những mảnh ruộng lâu nay chỉ trồng rau muống, hay mảnh vườn để canh tác rau quả, thậm chí là đất trồng lúa nằm rải rác trong khu dân cư được người ta nhắm tới và tìm cách san lấp trái phép để trục lợi.

Một nguyên nhân không thể không nhắc đến đó là việc nhận thức của người dân còn rất hạn chế về những quy định liên quan đến quản lý đất đai. Chính vì thế nên khi được “cò mồi” lôi kéo, rủ rê đã vì lợi nhuận trước mắt mà vô tình vi phạm. Chưa kể một số trường hợp do sự kiểm soát của chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ, thậm chí có sự tiếp tay hoặc buông lỏng quản lý của cán bộ địa phương đã cố tình vi phạm nhằm trục lợi cá nhân.

Các hình thức san lấp phổ biến là đổ đất, phế thải xây dựng lên đất ruộng, đất vườn để biến thành đất xây dựng; Lấp ao hồ, kênh rạch nhằm mở rộng diện tích sử dụng trái phép và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không có sự cấp phép của cơ quan chức năng.

Điển hình như tại Thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức, hiện nay có hàng trăm nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra từ nhiều năm nay nhưng không được chính quyền địa phương vào cuộc xử lý triệt để. Những đối tượng xây dựng được các nhà xưởng trên đất nông nghiệp thường có những người đứng sau "chống lưng", sau đó cho những người có nhu cầu thuê lại để trục lợi. Nhưng khu đất trước kia được đánh giá là nơi tăng gia sản xuất rất hiệu quả, nhưng do sự phát triển của xã hội, việc cho các đối tượng thuê để xây dựng nhà xưởng sản xuất có giá cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp, do vậy những người chủ của các thửa đất nông nghiệp này đã cho các đối tượng thuê lại. Thậm chí nếu ai có nhu cầu thì họ bán luôn đất nông nghiệp cho, sau đó người mua muốn xây dựng gì thì tuỳ.

nha-xuong-trai-phep.jpg
Nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Đông La, huyện Hoài Đức nhiều năm qua nhưng không được xử lý dứt điểm.

Tình trạng xây dựng nhà ở, nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp còn diễn ra tại xã Song Phương (huyện Hoài Đức), phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Tuy nhiên, do có sự vận động của chính quyền nên một số hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm; một số hộ cố tình không chấp hành, không tự giác tháo dỡ, đã bị lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế.

Tại xã Sài Sơn, sau khi xác minh có 13 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, lực lượng chức năng đã cưỡng chế với 6 trường hợp không tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm.

Tương tự, chính quyền các xã Song Phương của huyện Hoài Đức và phường Đại Mỗ của quận Nam Từ Liêm đã kết hợp với ngành chức năng tiến hành cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp đối với hơn chục trường hợp.

Tình trạng san lấp trái phép đất nông nghiệp còn diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

Tại Thanh Hóa, với lý do nâng cấp bồi đắp tuyến đường nội đồng Đồng Khao Đúp, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã tự ý san lấp trái phép đất nông nghiệp để làm đường khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Tình trạng nhiều lượt xe tải chở vật liệu vào san lấp đất nông nghiệp để làm đường, kéo theo bụi, gây ô nhiễm môi trường, khiến nhiều đoạn đường nội đồng đã được đổ bê tông nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp có chiều dài gần 1km xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún, bong tróc, nứt toác, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Mặc dù, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân, UBND xã Vĩnh Thịnh đã tiến hành kiểm tra hiện trạng thực tế và yêu cầu dừng thi công thì Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Vĩnh Thịnh đã đắp được 153 m chiều dài rộng chừng 5 m trên tổng 1.200 m của con đường. Ngoài ra, một phần đoạn đường nội đồng đã được đổ mở rộng, vật liệu đổ tràn ra khu vực đất nông nghiệp.

Không chỉ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ cũng bị người dân tự ý đào xới, san ủi.

Điển hình như vụ tự ý san ủi hơn 5ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 1049, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê (Gia Lai) quản lý. Cụ thể, vào ngày 6/12/2024, trong quá trình tuần tra, lực lượng quản lý bảo vệ rừng trạm H’Bông đã phát hiện và lập biên bản đối với ông Nguyễn Hữu Hiền về hành vi đào xới, san ủi đất tại khu vực trên. Qua đối chiếu với bản đồ hiện trạng rừng năm 2023 và bản đồ Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia, xác định người đàn ông này đã thực hiện hành vi đào xới, san ủi trái phép tại 4 lô với tổng diện tích là hơn 5ha. Mặc dù các lô đất này không thuộc quy hoạch 3 loại rừng và dự kiến sẽ được giao lại cho địa phương quản lý nhưng hành vi tự ý san gạt đất trồng (không có rừng) khi chưa được cơ quan chức năng cho phép là việc làm sai trái.

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê, hiện tại đơn vị đã yêu cầu ông Nguyễn Hữu Hiền ngừng ngay hành vi san ủi đất và không được phép mở rộng hay lấn chiếm diện tích đất lâm nghiệp xung quanh đồng thời xác định mức độ thiệt hại để có phương án xử lý phù hợp.

cang-phuoc-an.gif
Các giai đoạn khác của cảng biển Phước An đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng, dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2026

Hay như vụ san lấp trái phép gần 4.000m2 đất rừng phòng hộ (rừng ngập mặn) để xây dựng cảng Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai). Số diện tích trên nằm ngoài ranh dự án mà chủ đầu tư cảng Phước An là Công ty cổ phần dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai giao. Trong khi khu vực đất rừng phòng hộ bị san lấp trái phép thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành, đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai.

Được biết cảng Phước An là cảng biển lớn nhất Đồng Nai với quy mô gần 800ha, bao gồm phân khu cảng và phân khu dịch vụ hậu cần có tổng vốn đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng. Cảng có khả năng khai thác đồng thời hàng container và hàng tổng hợp, đáp ứng cho tàu có tải trọng từ 30-60.000 DWT; năng lực khai thác 2,2 triệu TEUs và 4 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Cảng có vị trí thuận lợi bên bờ sông Thị Vải, được đánh giá là có tuyến luồng tốt nhất hiện nay của Việt Nam và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Cảng cũng thuộc hệ thống cảng biển khu vực TP HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 8/2005.

Sau khi cơ quan chức năng phát hiện gần 4.000m2 đất rừng phòng hộ (rừng ngập mặn) thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành quản lý bị san lấp trái phép, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đã chuyển hồ sơ vụ cho Công an huyện Nhơn Trạch điều tra làm rõ.

Liên quan đến vụ việc, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đã có chỉ đạo các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Mặc dù các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp được dỡ bỏ nhưng việc đổ đất san nền và nhất là việc đổ trạc thải, xà bần xây dựng sau khi bị cưỡng chế chưa được thu dọn để lại hệ lụy không nhỏ về môi trường.

Hệ lụy của tình trạng san lấp trái phép đất nông nghiệp

4(1).jpg
Đất nông nghiệp sau khi bị san lấp bởi trạc thải xây dựng gần như vĩnh viễn không thể khôi phục lại nguyên trạng ban đầu được nữa

Hệ lụy đầu tiên của tình trạng san lấp trái phép đất nông nghiệp đó là những thiệt hại kinh tế cho nhà nước. Nhà nước không chỉ thất thu thuế từ việc chuyển đổi đất trái phép mà còn phải bỏ ra nguồn lực để xử lý hậu quả bởi một khi đất bị chuyển đổi bất hợp pháp, các tranh chấp giữa người dân với nhau hoặc giữa người dân với chính quyền trở nên phức tạp hơn. Để kiểm soát tình trạng này, không để ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của địa phương và làm rối loạn quy hoạch, chính quyền địa phương phải có những biện pháp cứng rắn và đi theo đó là phải bỏ ra nguồn lực để xử lý hậu quả.

Việc san lấp đất nông nghiệp trái phép không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống quản lý đất đai mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường. Đó là sự ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước, không khí, hệ sinh thái và gia tăng nguy cơ thiên tai.

San lấp trái phép đất nông nghiệp làm suy giảm diện tích đất canh tác. Việc làm mất đi quỹ đất sản xuất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực và sinh kế của người dân. Đặc biệt, khi đất bị đổ phế thải, bê tông hóa, khả năng phục hồi để canh tác gần như không thể.

San lấp trái phép đất nông nghiệp làm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Đất bị san lấp thường chứa phế thải xây dựng, kim loại nặng và hóa chất độc hại nên việc san lấp làm giảm độ phì nhiêu của đất.

Việc lấp ao hồ, kênh mương khiến dòng chảy tự nhiên bị thay đổi dẫn tới việc làm suy giảm chất lượng nguồn nước ngầm.

Điều mà ai cũng nhận thấy đó là sự ô nhiễm không khí. San lấp đất đi kèm với hoạt động vận chuyển đất đá, vật liệu xây dựng, gây phát sinh bụi bẩn, khí thải, khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí minh càng thêm trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Việc san lấp trái phép đất nông nghiệp làm mất đi khả năng thấm hút nước của đất. Nhất là những khu vực trước đây những thửa ruộng này giống như những chiếc túi chứa nước khi mưa bão thì nay không còn chỗ chứa, dẫn đến tình trạng ngập úng nghiêm trọng vào mùa mưa.

Ở vùng cao hay các khu vực đồi núi, việc thay đổi địa hình tự nhiên có thể làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và cuộc sống người dân.

Việc san lấp trái phép đất nông nghiệp còn khiến hệ sinh thái nông nghiệp bị phá vỡ, làm mất môi trường sống của nhiều loài sinh vật. Ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và làm mất cân bằng sinh thái địa phương.

Khi đất bị chuyển đổi bất hợp pháp, các tranh chấp giữa người dân với nhau hoặc giữa người dân với chính quyền trở nên phức tạp hơn. Nếu không có sự kiểm soát, tình trạng này sẽ làm rối loạn quy hoạch, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của địa phương.

white-and-green-modern-agriculture-report-presentation.png

Theo luật sư Bùi Xuân Lai, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, căn cứ vào Luật Đất đai 2024 thì hành vi san lấp đất nông nghiệp được xem là hủy hoại đất và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đề cập đến hệ lụy môi trường từ việc san lấp trái phép đất nông nghiệp, luật sư Bùi Xuân Lai cho hay việc sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích gây ra tình trạng lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp, an ninh lương thực, mà còn cản trở các doanh nghiệp, nông dân thực thụ tiếp cận nguồn đất để phát triển sản xuất.

“Theo quy định, hành vi san lấp trái phép đất nông nghiệp có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 10, Điều 14 - Nghị định 123/2024/NĐ-CP. Cụ thể, mức xử phạt được căn cứ vào diện tích đất bị hủy hoại. Trong đó, mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 50-100 triệu đồng, nếu diện tích từ 1 hecta trở lên. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị áp dụng thêm các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trong trường hợp không chấp hành thì Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất. Những trường hợp nghiêm trọng hơn, như phá vỡ quy hoạch hoặc gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và xã hội, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là cơ chế cần thiết để bảo vệ tài nguyên đất đai và đảm bảo rằng chính sách tích tụ đất đai không bị lạm dụng” - luật sư Lai nêu quan điểm.

Điều 10 Nghị Định 123/2024/NĐ-CP: Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép
1. Hành vi chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp (không phải đất ở) thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,05 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta đến dưới 02 héc ta;
e) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 02 héc ta trở lên.
2. Hành vi chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ dưới 0,01 héc ta;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,01 héc ta đến dưới 0,03 héc ta;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,03 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta trở lên.
3. Hành vi chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp thuộc địa giới hành
chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt tương ứng với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Theo quy định, hành vi san lấp đất nông nghiệp không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn được coi là hành vi phá hoại và tàn phá đất đai. Vì đất nông nghiệp sau khi bị san lấp bởi trạc thải xây dựng gần như vĩnh viễn không thể khôi phục lại nguyên trạng ban đầu được nữa. Điều này được quy định rất rõ tại Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP ban hành ngày 04/10/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. (Nghị định 123/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 91/2019 đã hết hiệu lực từ 04/10/2024 và các quy định trước đó về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai).

Điều 14. Nghị định 123/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có quy định như sau:

1. Hành vi làm suy giảm chất lượng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây: làm mất hoặc giảm độ dày tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn cát, sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây bạc màu, gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp mà dẫn đến làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất đã được xác định thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,05 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên.

2. Hành vi làm biến dạng địa hình thuộc một trong các trường hợp sau đây: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng (trừ hồ thủy lợi) hoặc san lấp nâng cao, hạ thấp bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định (trừ trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê, được công nhận quyền sử dụng đất hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận) thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,05 héc ta;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên.

3. Hành vi gây ô nhiễm đất thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

4. Đối với các hành vi vi phạm mà thuộc trường hợp không có tính khả thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quy định tại khoản 5 Điều này thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền tương ứng quy định tại khoản 1, 2 Điều này, nhưng tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp việc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm không có tính khả thi trên thực địa. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để quy định các trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.

9.png

PGS.TS. Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng cho rằng, có 3 vấn đề mà chính quyền địa phương cùng các cơ quan chuyên môn cần giải quyết nhanh gọn để bảo vệ môi trường, như sau:

Thứ nhất: Cần xác định được việc san lấp mặt bằng như vậy có được phép hay không?

Thứ hai: Chính quyền địa phương cùng các cơ quan chuyên môn cần xác định ngay vật liệu san lấp là vật liệu gì có đạt chuẩn không, nếu không phải là đất hay cát san lấp thì là vật liệu gì, có nguy cơ gây hại cho môi trường hay không vì không loại trừ có chứa lẫn rác thải xây dựng hay rác thải nguy hại….

Thứ ba: Sau khi xác định được, nếu có vi phạm và gây ảnh hưởng đến môi trường thì sẽ tiến hành các biện pháp khắc phục xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý đất đai, xác định đối tượng gây ra hành vi vi phạm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý chặt chẽ và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn các vi phạm liên quan đến đất đai.

Việc gom đất để chờ quy hoạch hoặc đền bù đã tạo ra những hệ lụy lâu dài cho môi trường xã hội, làm tăng giá đất một cách bất hợp lý và đẩy nông dân ra khỏi thị trường sản xuất nông nghiệp.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Luật sư Bùi Xuân Lai cho rằng, trước tiên, việc sử dụng đất sau khi nhận chuyển quyền được ràng buộc với các yêu cầu cụ thể, trong đó người sở hữu đất phải đưa đất vào sản xuất, canh tác. Nếu không đáp ứng được điều kiện này, đất sẽ bị thu hồi.

Thứ hai, các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang đất. Cùng với đó, việc công khai minh bạch quy hoạch sử dụng đất cũng là giải pháp quan trọng để hạn chế các hành vi lợi dụng thông tin quy hoạch nhằm thao túng giá đất.

Xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay cho vi phạm: Để đảm bảo sự minh bạch, cần có cơ chế giám sát và xử lý nghiêm những cá nhân cố tình bao che hoặc tiếp tay cho hành vi sai trái.

Khuyến khích phát triển nông nghiệp bền vững: Thay vì san lấp đất nông nghiệp, chính quyền cần có chính sách hỗ trợ người dân phát triển các mô hình nông nghiệp hiện đại, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

8.png

Tóm lại, tình trạng san lấp trái phép đất nông nghiệp là một vấn đề nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, môi trường và xã hội. Để khắc phục, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân nhằm bảo vệ quỹ đất nông nghiệp và hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hệ lụy môi trường từ việc san lấp trái phép đất nông nghiệp
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.