Hệ lụy tiềm ẩn từ việc tích trữ thực phẩm ngày Tết

Hà An (T/h)|29/01/2019 12:35
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Bộ Y tế, năm 2018, toàn quốc đã xảy ra 97 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.340 người mắc, 2.944 người nhập viện và 16 người tử vong. Riêng trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tổng số ca khám do rối loạn tiêu hóa là gần 1.300 trường hợp, trong đó có 388 trường hợp ngộ độc rượu, 239 trường hợp ngộ độc thức ăn tự chế biến.

– Tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi và sum họp gia đình của người Việt. Vì vậy mà những bữa ăn ngày Tết luôn cầu kỳ hơn so với ngày thường. Với các bà nội trợ, việc trữ thức ăn cho ngày Tết đã không còn là điều xa lạ và tủ lạnh trở thành chiếc tủ thần kỳ để bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, việc tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu không tốt cho sức khỏe.

>>> Đà Nẵng rực rỡ đường hoa đón Tết

>>> “Dở khóc dở cười” trong ngày tiễn ông Công ông Táo chầu trời

Ảnh minh họa

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, vào những ngày nghỉ Tết hằng năm, bệnh viện đều tiếp nhận không ít trường hợp nhập viện vì rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Nhiều bà mẹ vẫn khẳng định, chỉ cho trẻ ăn thức ăn được nấu ở nhà, làm sao có thể ngộ độc thực phẩm. Thế nhưng, mọi người không biết rằng, việc tích trữ, bảo quản thực phẩm không đúng cách đã làm cho vi khuẩn gây ngộ độc sinh sôi, phát triển. Chẳng hạn, nhiều gia đình coi tủ lạnh là “bảo bối” cho việc tích trữ thực phẩm, song tủ lạnh chỉ làm chậm sự phát triển của vi khuẩn, chứ không loại bỏ được hoàn toàn vi khuẩn. Nguyên tắc để đồ ăn trong tủ lạnh là phải đủ thoáng để luồng khí lạnh có thể đi qua, bao phủ đều.

Còn theo ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), do đặc thù thời tiết dịp Tết, khiến các loại hạt hướng dương, lạc, đậu hay bánh chưng rất dễ bị nấm mốc, sinh ra độc tố aflatoxin, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, người Việt hay có thói quen rửa nấm mốc, rồi lại sử dụng. Thậm chí, nhiều gia đình vẫn cắt phần đầu bánh chưng bị nấm mốc, rồi rán ăn bình thường. Nhìn bên ngoài tưởng ổn nhưng có thể độc tố đã ngấm sâu vào thực phẩm, tiềm ẩn những nguy cơ…

Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội lưu ý, khi chọn mua thực phẩm ngày Tết, người tiêu dùng cần kiểm tra thật kỹ chất lượng, thời gian sử dụng, tránh mua phải hàng ôi thiu, hết hạn. Quá trình bảo quản, cần gói kín từng loại thực phẩm để không bị bốc mùi, không lây nhiễm vi sinh vật từ thức ăn này sang thức ăn khác. Trước khi bảo quản thực phẩm cần lau dọn tủ lạnh sạch sẽ bằng nước ấm pha giấm. Với thực phẩm tươi sống cần được làm sạch và bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày. Đối với thức ăn nấu chín cần để nguội rồi đậy kín, cất vào tủ lạnh. Riêng đối với rau, sau khi bỏ lá sâu, lá nát, cắt bỏ phần rễ, thì rửa sạch cho vào túi, buộc kín, xếp vào ngăn tủ mát. Trái cây cũng nên rửa sạch, để ráo, sau đó cho vào túi, buộc kín trước khi đưa vào tủ lạnh.

Bất cứ một loại thực phẩm nào cũng có hạn sử dụng và điều kiện lưu trữ riêng của nó. Như đối với rau xanh chỉ nên để 3-4 ngày vì để càng lâu trong tủ lạnh sẽ làm mất đi các vitamin và khoáng chất, giảm giá trị dinh dưỡng của chúng. Việc hạn chế tích trữ đồ ăn quá nhiều trong tủ lạnh, vừa giảm thiểu sự sụt giảm chất lượng thực phẩm, vừa hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm ngày Tết.

Hà An (T/h)

Bài liên quan
  • [VIDEO] Ô nhiễm từ rác thực phẩm không phân loại
    Nếu như ở ngoại thành Hà Nội, mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ đã bắt đầu phát huy tác dụng thì trong nội thành rác thải từ thực phẩm, chủ yếu là thức ăn thừa bỏ đi, chiếm một lượng lớn trong thùng rác mỗi gia đình. Từ đó, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy tiềm ẩn từ việc tích trữ thực phẩm ngày Tết