Kinh tế – xã hội Cà Mau có nhiều bước tiến nhanh, tích cực

Quỳnh Mai|26/10/2020 11:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng 5 năm qua Đảng bộ, quân và dân Cà Mau đã đoàn kết, nắm bắt tốt thời cơ, thuận lợi, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo nhằm đẩy mạnh kinh tế – xã hội nhiệm kỳ 2015-2020 của tỉnh đạt những kết quả quan trọng.

Cà Mau đã xác định rõ và đề ra các giải pháp triển khai thực hiện ba đột phá chiến lược, tái cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thứ nhất là những đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính, mức độ hài lòng người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ngày càng được nâng lên. Chức năng, nhiệm vụ và cơ sở cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính từ tỉnh đến cơ sở được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp hơn và hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành chính quyền có nhiều tiến bộ.

Thứ hai là đột phá trong công tác trong công tác quy hoạch về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020, các đề án, kế hoạch về đào tạo cán bộ, công chức và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài, thu hút trí thức trẻ về cơ sở được tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở cơ bản đạt chuẩn theo quy định, công tác đào tạo nghề được chú trọng theo hướng nâng cao chất lượng.

Thứ ba là đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã được tập trung đầu tư; trong đó, các lĩnh vực giao thông, lưới điện, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội… được tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng phù hợp với mục tiêu, định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh.

Phát triển nhanh và bền vững

Cùng với đó, kết quả thực hiện bước đầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm tăng 3,3%. Tỉnh có 29/82 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 35,4% tổng số xã.

Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển, tập trung chủ yếu vào các ngành chủ lực như chế biến thủy sản, sản xuất khí – điện – đạm. Hệ thống lưới điện nông thôn được ưu tiên đầu tư và tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo đang được các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư, khai thác. Lĩnh vực thương mại – dịch vụ tăng trưởng mạnh, tốc độ bình quân 3 năm tăng 11,5%. Toàn tỉnh có gần 1.300 doanh nghiệp được thành lập mới, tương đương so với cùng kỳ nhiệm kỳ trước.

kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tổng sản phẩm (GRDP theo giá so sánh) tăng bình quân gần 7%/năm; quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,35 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt gần 51 triệu đồng (tương đương 2.182 USD), tăng gần 1,3 lần so với năm 2015.

Triển khai Đề án tái cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng mạnh tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Cà Mau đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế – xã hội nổi bật

Thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều mô hình nuôi quảng canh cải tiến, thâm canh, đưa kinh tế biển phát triển mạnh gắn với xây dựng nông thôn mới…

Cà Mau huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội 5 năm gần 74.000 tỷ đồng, chiếm 28% GRDP. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm hơn 26.000 tỷ đồng (tăng 1,3 lần so với nhiệm kỳ trước). Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân 4%/năm; năng lực sản xuất không ngừng tăng lên, tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chủ lực là chế biến thủy sản, sản xuất điện, đạm, khí hóa lỏng, sản lượng chế biến hàng thủy sản xuất khẩu 5 năm đạt 700.000 tấn.

Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo đang được đầu tư khai thác, chiều hướng phát triển tốt. Hạ tầng khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp được tập trung xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi, thu hút đầu tư. Công tác kiểm tra, quản lý thu chi được quan tâm thường xuyên.

Về dịch vụ du lịch, từng bước phát triển tốt hơn, cơ sở vật chất, các công trình hạ tầng tiếp tục được đầu tư, ước 5 năm thu hút hơn 7,3 triệu lượt khách (trong đó có 135.000 lượt khách quốc tế), tăng 58% lượt khách. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so nhiệm kỳ trước.

Kim ngạch xuất khẩu 5 năm gần 5,6 tỷ USD, tiếp tục là tỉnh đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm. Tỉnh Cà Mau đã xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm, đặc sản chủ lực của địa phương như cua Năm Căn, tôm khô Rạch Gốc, mật ong U Minh… góp phần mở rộng thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập người dân được cải thiện đáng kể.

Đặc biệt, về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; đô thị từng bước phát triển theo hướng hiện đại. Cà Mau ưu tiên bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, các dự án, công trình trọng điểm. Nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng như cầu Hòa Trung II, đường hành lang ven biển phía Nam, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn đến Đất Mũi, đường trục chính Đông – Tây, đường bờ Nam Sông Đốc – Quốc lộ 1A, đường Tắc Thủ – Vàm Đá Bạc, đường trục chính và đường Bắc – Nam Khu kinh tế Năm Căn… hình thành các trục, tuyến giao thông chính, kết nối các vùng trong tỉnh; hoàn thành Đề án đường ô tô về trung tâm xã; giao thông nông thôn phát triển mạnh; hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất; hạ tầng văn hoá – xã hội được ưu tiên đầu tư như bệnh viện, trạm y tế, trường học, các thiết chế văn hoá…

Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 đạt nhiều kết quả tích cực. Dự án nâng cấp đô thị TP. Cà Mau được hoàn thành giai đoạn I, phát huy hiệu quả, đưa tỷ lệ đô thị hoá đến cuối năm 2020 đạt 22,7%…

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn quản lý khá chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt theo kế hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các công trình trọng điểm, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tập trung tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ý thức của Nhân dân về công tác này được nâng lên. Đến nay, 100% cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô lớn có hệ thống xử lý nước thải theo quy định; 100% dân cư thành thị và 92% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện tốt, giá trị kinh tế rừng từng bước được nâng lên; tỷ lệ che phủ rừng đạt 26% (tăng bình quân 1,6%/năm).

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, từ nay đến năm 2030, địa phương sẽ tăng cường quản lý, giám sát với biến đổi khí hậu. Trong đó, sẽ rà soát đánh giá lại mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn hiện có trên địa bàn tỉnh để đề xuất xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng và giám sát biến đổi khí hậu phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Cà Mau cũng triển khai xây dựng hệ thống trạm quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn theo công nghệ hiện đại, có độ chính xác cao nhằm cung cấp thông tin, dữ liệu về khí tượng thủy văn, phục vụ cho việc dự báo, cảnh báo sớm các điều kiện khí hậu ngày càng cực đoan.

Bên cạnh đó, tăng cường cung cấp thông tin khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đến các cơ quan, đơn vị sử dụng thông tin khí tượng, thủy văn, biến đổi khí hậu trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, giáo dục, an ninh, quốc phòng; đồng thời, hướng dẫn tiếp cận thông tin khí hậu và dự báo khí hậu cho người dân nhằm thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu…

Quỳnh Mai

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế – xã hội Cà Mau có nhiều bước tiến nhanh, tích cực