Từ tháng 10.2019 đến tháng 3.2020, theo Ủy hội Sông Mê Kông Việt Nam, mực nước sông ở lưu vực châu thổ xuống thấp nhất trong vòng 101 năm qua.
Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chạy dài hơn 4.000 km, từ thượng nguồn xuống hạ nguồn chảy qua các nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Đây là nguồn hỗ trợ cho ngư trường nội địa lớn nhất thế giới và là nguồn nước quan trọng cho các cộng đồng canh tác nông nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên, cùng với biến đổi khí hậu, sự can thiệp của các quốc gia ở thượng nguồn đang làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến ngư trường và nông trường truyền thống của các nước trong lưu vực.
Đập thuỷ điện của Trung Quốc ở phía bắc và nhiều công trình đang được xây dựng ở Lào, đã ảnh hưởng đến hoạt động di cư của các đàn cá và chặn lượng phù sa bồi đắp ở phía hạ lưu. Ngoài ra, Thái Lan cũng đang có kế hoạch xây dựng nhiều đập ở đây. Người dân trong khu vực đang chịu ảnh hưởng của hoạt động xây đập lo ngại rằng, kế hoạch của Thái Lan sẽ chỉ khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn.
Việc phát triển thủy điện của các nước thượng nguồn đến năm 2040 cũng dẫn tới sự suy giảm nghiêm trọng nguồn cung cấp cá. Tổng sinh khối thủy sản sẽ giảm từ 35-40% trong năm 2020 và 40-80% vào năm 2040, báo cáo của Ủy hội Sông Mê Kông Quốc tế (MRC). Theo đó, Mê Kông sẽ mất dần vai trò cho tới khi không còn khả năng hỗ trợ sự đa dạng sinh học của tự nhiên cũng như đem lại nguồn sống cho hàng triệu người.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện mùa mưa trên lưu vực sông Mê Kông đã kết thúc, dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh từ đầu tháng 12.2019 đến nay. Cùng với đó, hàng loạt thủy điện dọc dòng sông Mê Kông đã đồng loạt tích nước khiến dòng chảy đã giảm, nay càng giảm hơn. Thể tích nước trong Biển Hồ Campuchia đến nay đã giảm 33 tỉ m3 so với đầu tháng 10.2019.
Người dân đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào dòng nước mùa khô để tưới tiêu, ngăn mặn và sinh hoạt hàng ngày. Việc giảm dòng chảy do khai thác từ phía thượng nguồn sẽ ảnh hưởng lớn đến hạ lưu.
Tính đến đầu tháng 3, gần 39.000ha lúa khả năng mất trắng, trên 20.000ha cây ăn trái báo động đỏ, thiệt hại 43.000ha rừng. Vườn Quốc gia U Minh Hạ đặt trong tình trạng báo động cháy. Xâm nhập mặn đang đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó 5 tỉnh gồm Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Long An đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai khi hạn mặn đã vượt đợt hạn kỷ lục năm 2016.
Để chủ động ứng phó với ảnh hưởng của hạn hán, từ giữa năm 2019, Nhà nước đã sớm có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn mặn, đồng thời yêu cầu các địa phương và người dân chủ động, tích cực phòng tránh. Nhiều giải pháp cũng được đưa ra như tổ chức vụ đông xuân sớm hơn, sử dụng giống ngắn ngày, đưa vào vận hành hàng loạt công trình thủy lợi điều tiết ngăn mặn, thúc đẩy sáng tạo biến nước mặn thành ngọt cũng đang diễn ra sôi nổi ở miền Tây… Nhờ vậy, có tới 93% diện tích lúa đông xuân của vùng đã tránh hạn và né mặn thành công.
>>> Xem thêm: Đồng bằng sông Cửu Long: Nông dân chủ động chuyển đổi sản xuất ứng phó với hạn mặn
Trên tổng thể vùng đồng bằng Mê Kông (gồm cả Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào) mỗi năm cung cấp cho Trung Quốc ước chừng 15 tỉ USD lương thực, thực phẩm. Xuất khẩu ra thế giới trên 12 triệu tấn gạo. Hạ lưu vực sông Mê Kông là một trong những vựa cá nước ngọt lớn nhất trên thế giới với khoảng 850 loài cá và sản lượng khoảng 4 triệu tấn mỗi năm.
Ngăn chặn việc xây mới các dự án thủy điện, tháo dỡ các đập hiện tại, trả lại sự tuần hoàn cho nước, không chỉ là giảm thiệt hại kinh tế do hạn hán ở các nước trong lưu vực mà đây còn là yếu tố quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái nước ngọt của thế giới.
Đặc biệt, nó còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát như hiện nay.
Ngọc Linh (t/h)