Mỹ: Phát hiện nước mưa nhiễm vi nhựa tại vùng núi Rocky

19/08/2019 05:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các nhà khoa học từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thu thập mẫu nước mưa tại công viên quốc gia Núi Rocky và phát hiện trong nước mưa, đó là nhựa.

Trong quá trình thực hiện phân tích các mẫu nước mưa để đánh giá tình trạng ô nhiễm ni-tơ, họ phát hiện hơn 90% mẫu nước mưa nhiễm nhựa tại 8 địa điểm khác nhau, chủ yếu nằm ở bang Colorado.

Mẫu nước mưa từ công viên quốc gia Núi Rocky, Mỹ, chứa vi nhựa.

Nhựa có mặt tại hầu hết các địa điểm lấy mẫu nước, từ vùng đông dân cư đến những vùng hẻo lánh, kể cả mẫu lấy từ độ cao hơn 3.000m trong Công viên Quốc gia Núi Rocky nằm về phía cực Bắc của Colorado.

Các sợi nhựa (plastic fibre) và mảnh nhựa nhỏ hay vi nhựa (microplastic) phổ biến trong các mẫu nước mưa và chỉ có thể nhìn thấy khi được phóng đại ít nhất 20 lần.

Các nhà nghiên cứu phân tích mẫu nước mưa dưới kính hiển vi. Họ cho rằng hạt vi nhựa chủ yếu bắt nguồn từ rác thải đổ ra tự nhiên. Ngoài ra, quần áo làm từ chất liệu tổng hợp cũng đẩy các sợi nhựa ra môi trường.

Tháng 4, một nhóm nghiên cứu khác phát hiện lượng nhựa lớn trong lưu vực sông ở dãy núi Pyrenees, Pháp. Họ tìm thấy 365 hạt vi nhựa trên mỗi m2.

Hạt vi nhựa là mối đe dọa lớn với sinh vật biển và tồn tại trong nhiều sông, biển, thậm chí vùng Bắc Cực. Tháng 6, tổ chức Hòa bình xanh phân tích mẫu nước của 13 dòng sông tại Anh và kết luận chúng đều chứa hạt vi nhựa. Hơn 4/5 lượng polymer mà tổ chức này tìm thấy là , được dùng để chế tạo các sản phẩm như bao gói thực phẩm, chai nước và túi xách.

Trước đó, một nghiên cứu đã tiết lộ trung bình mỗi người Mỹ ăn, uống và hít khoảng 70.000 hạt vi nhựa mỗi năm. Từ đó, chúng ta cũng có thể suy ra rằng con người trên thế giới cũng đang phải tiêu thụ một lượng tương tự, thậm chí còn nhiều hơn nữa.

Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng nào về việc vi nhựa có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, những nỗi lo hiện tại là về các hóa chất trong vi nhựa khi vào cơ thể chúng ta sẽ đọng lại ở các cơ quan gây nên các vấn đề về đường hô hấp, đường tiêu hóa, hoặc có thể làm tổn thương tế bào và thậm chí cả hệ miễn dịch của con người. Ngoài ra, sự tích tụ của các loại vật liệu nhựa cũng có nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái.

Không chỉ tràn lan trên đất liền, rác thải nhựa cũng đang gia tăng trên đại dương. Hằng năm, có thêm khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào đại dương làm tổng số rác nhựa tích tụ lên đến con số 150 triệu tấn.

Con người ngày càng sử dụng nhiều nhựa dùng một lần khiến tình trạng ô nhiễm trên thế giới trở nên nghiêm trọng. Các chuyên gia uớc tính có 5,25 nghìn tỷ mảnh nhựa dưới biển và lượng nhựa có thể tăng lên gấp ba năm 2025. Khoảng 40% nhựa trở thành rác ngay trong năm chúng được sản xuất.

Tú Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ: Phát hiện nước mưa nhiễm vi nhựa tại vùng núi Rocky