Ngành lâm nghiệp thiệt hại sơ bộ khoảng 40 tỷ đồng do bão số 3
Sáng 24/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương bàn về giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Theo đại diện Cục Lâm nghiệp, sau cơn bão số 3, 170 nghìn ha rừng bị gãy đổ. Diện tích này chưa bao gồm diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt. Trong đó, 4 địa phương thiệt hại nặng nhất là: Quảng Ninh (hơn 110.000ha), Bắc Giang (hơn 26.000ha), Lạng Sơn (gần 20.000ha), Hải Phòng (hơn 10.000ha). Diện tích rừng trồng sản xuất bị gãy đổ do bão số 3 cần 5-7 năm mới có thể khai thác trở lại, gây thiếu hụt gỗ nguyên liệu khoảng 3,5 triệu m3/năm.
Hiện các địa phương chưa có thống kê chính thức về doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản bị thiệt hại. Tuy nhiên, qua thống kê sơ bộ, bão số 3 chủ yếu gây thiệt hại cho các doanh nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Hầu hết doanh nghiệp ván dán, ván thanh, ván bóc tại các tỉnh miền núi phía Bắc có nhà xưởng xây dựng không kiên cố nên khi bão đổ bộ bị tốc mái, sau bão thì lũ lụt gây sạt lở đất. Ước tính khoảng 200 doanh nghiệp bị thiệt hại, với tổng số tiền khoảng 40 tỷ đồng.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị chia sẻ, đổ bộ vào Việt Nam trong nửa đầu tháng 9, bão số 3 được đánh giá là dị thường và bất thường, cả về đường đi của bão, ảnh hưởng của bão. Đồng thời, bão số 3 đã gây mưa lớn trên phạm vi rộng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng cả đời sống và sản xuất.
Trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơn bão số 3 gây ra những tác động nặng nề từ lĩnh vực thủy sản đến lâm nghiệp, chăn nuôi,... Với lĩnh vực lâm nghiệp, bị ảnh hưởng trong cả chuỗi sản xuất lâm nghiệp, từ cây giống đến phát triển rừng, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà cả chu kỳ sản xuất trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho rằng, đây chính là cơ hội để bàn về giải pháp để xác định những bước đi khắc phục khó khăn hiện tại để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, giúp cho phát triển rừng, những người làm nghề rừng, lâm nghiệp vượt qua những khó khăn, tạo đà phục hồi, phát triển bền vững trong thời gian tới.
Nhằm khắc phục và giảm thiểu những thiệt hại đối với diện tích rừng do thiên tai gây ra, Cục Lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công văn đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng tổ chức thống kê, phân loại ngay diện tích, mức độ rừng bị thiệt hại để có giải pháp phù hợp.