Sáng 22/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (Văn phòng Ban Chỉ đạo). Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và đại diện lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo và một số đơn vị thuộc Chính phủ.
Thiệt hại về kinh tế do thiên tai năm 2022 cao gấp 2,8 lần
Báo cáo tại buổi làm việc, Trung tướng Doãn Thái Đức, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thiên tai, thảm họa, sự cố, dịch bệnh trên thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Dịch COVID-19 về cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát; dịch bệnh nguy hiểm như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân... dẫn đến nguy cơ "dịch chồng dịch", đe dọa sự quá tải hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.
Thống kê từ ngày 01/01/2022 đến 28/02/2023, trong nước, thiên tai, sự cố xảy ra 7.942 vụ; làm chết 1.339 người, mất tích 200 người, bị thương 513 người.
Thiên tai, sự cố làm chìm, cháy, hỏng 840 phương tiện; cháy 1.428 nhà xưởng, 761,72 ha rừng và thảm thực vật; sập, hư hỏng 7.638 nhà, hư hại 190.857 ha lúa và hoa màu, làm chết 91.205 gia súc, gia cầm.
Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính khoảng 5.065 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Về ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tính từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 20/3/2023, các bộ, ngành, địa phương đã điều động 238.653 lượt người, 21.899 lượt phương tiện ứng phó, xử lý hiệu quả 5.507 vụ, cứu được 5.475 người và 353 phương tiện.
Đặc biệt trong tháng 2/2023 do thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, một số tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận không thể về bờ, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Hải quân hướng dẫn cho 203 tàu/740 ngư dân đánh cá của tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận vào tránh trú và kịp thời hỗ trợ hơn 3.000 kg gạo, hơn 22.600 lít nước cùng một số nhu yếu phẩm cần thiết kịp thời giải quyết những khó khăn cấp bách của ngư dân.
Về phòng, chống dịch bệnh: Kể từ đầu dịch đến nay trên cả nước đã ghi nhận 11,5 triệu ca mắc COVID-19, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,2%) và hơn 43.000 ca tử vong (0,38%).
Đến hết ngày 28/02/2023 cả nước đã tiêm được khoảng 266,3 triệu mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó: Tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên, đạt xấp xỉ 100%.
Xây dựng cơ sở pháp lý cho phòng thủ dân sự
Năm 2022, Văn phòng Ban Chỉ đạo tập trung tham mưu cho Ban chỉ đạo để chỉ đạo xây dựng hệ thống văn bản, kế hoạch, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các nhiệm vụ phòng thủ dân sự quốc gia.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW; Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự, Luật Phòng thủ dân sự; Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo đến năm 2025; Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Bộ Công an xây dựng kế hoạch ứng phó thảm họa, cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự trong vùng, khu vực xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; xây dựng Đề án an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Bộ Y tế xây dựng Nghị định về việc giao chỉ tiêu huy động ngành y tế khi có chiến tranh và tình trạng khẩn cấp thay thế Nghị định 129/2014/NĐ-CP ngày 13/3/2014 của Chính phủ; Chương trình kết hợp quân dân y chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2030; Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; Chiến lược ngành y tế, Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở đến năm 2030; Đề án Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2030.
Các bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch Phòng thủ dân sự các cấp, triển khai Kế hoạch Phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025 ban hành tại Quyết định số 2196/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ứng phó các sự cố, thiên tai, thảm họa theo Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 19/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự phù hợp với tình hình thực tiễn và biến đổi khí hậu hiện nay.
Cũng trong năm 2022, Văn phòng đã tham mưu cho Ban chỉ đạo về các nhiệm vụ trọng tâm khác như: Kiện toàn tổ chức, lực lượng phòng thủ dân sự của các bộ, ngành, địa phương; công tác huấn luyện, diễn tập, tập huấn phòng thủ dân sự tại các bộ, ngành, địa phương; công tác hợp tác quốc tế của các bộ, ngành, địa phương; công tác kiểm tra…
Theo Trung tướng Doãn Thái Đức, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được trong công tác tham mưu về phòng thủ dân sự còn một số khó khăn, bất cập như cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động của cơ quan phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp có nơi còn chưa phù hợp; công tác xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho phòng thủ dân sự, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ chỉ đạo điều hành còn hạn chế.
Phương án ứng phó với từng loại thảm họa, sự cố, thiên tai đã được xây dựng tương đối đầy đủ, tuy nhiên có nơi chưa sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa bàn.
Việc kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có địa phương còn chậm, chưa đúng quy định; công tác huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn.
Công tác dự báo, cảnh báo còn gặp nhiều khó khăn, nhất là mưa lớn cục bộ, dài ngày và hoàn lưu sau bão; công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng thủ dân sự chưa được sâu rộng.
Nhiệm vụ năm 2023
Dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng sẽ tiếp tục là thách thức đối với an ninh quốc gia của các nước, trong đó có Việt Nam.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2023 có khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão mạnh và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Để thực hiện tốt công tác phòng thủ dân sự trong thời gian tới, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo rà soát, bổ sung bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự, trong đó trọng tâm là hoàn thiện Luật Phòng thủ dân sự; xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự; Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự.
Kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp, xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập phòng thủ dân sự nhằm nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh cho cơ quan chỉ huy và lực lượng phòng thủ dân sự các cấp.
Văn phòng sẽ tham mưu cho Ban Chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng thủ dân sự; hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh…
Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Trưởng đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, đã báo cáo với Phó Thủ tướng về quá trình tham gia, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như những bài học kinh nghiệm đúc rút được.
Nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, cấp bách
Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chúc mừng, đánh giá cao, biểu dương những kết quả mà Văn phòng Ban Chỉ đạo đã đạt được trong thời gian qua, nhấn mạnh đây là nhiệm vụ hết sức đặc biệt liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân, trong đó tính mạng của con người là vô giá.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng với hiệu quả công tác của Văn phòng Ban Chỉ đạo, với nguồn nhân lực 62 cán bộ nhưng đang đảm nhiệm một khối lượng công việc rất lớn, với 37 nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, cấp bách.
Phó Thủ tướng cho rằng năm 2023 và những năm tiếp theo, công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẽ khó khăn, nặng nề hơn bởi tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp với quy mô lớn hơn và nhanh hơn dự báo; kinh tế-xã hội phát triển hơn đi kèm với sự gia tăng các sự cố; và ảnh hưởng của biến động chính trị khó đoán định trong khu vực.
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó có việc triển khai hiệu quả kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo diễn ra ngày 10/3/2023.
Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống thiên tai, sự cố bởi mỗi người dân có ý thức hơn thì sự cố chắc chắn sẽ ít xảy ra hơn và nếu có sự cố thì việc phối hợp xử lý cũng thuận lợi hơn.
Phó Thủ tướng nêu ý kiến, nguồn lực cho công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố, thiên tai có thể tận dụng từ các nguồn xã hội hóa; trong đó có khối doanh nghiệp bởi đây là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Đặc biệt, cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Do tính cấp bách, hậu quả lớn và khôn lường của các sự cố, thảm họa, Phó Thủ tướng nhất trí với đề xuất cần xác lập cơ chế điều hành thống nhất của các Ban Chỉ đạo; các lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp cần có trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phù hợp.
Phó Thủ tướng lưu ý do nguồn lực có hạn, công tác diễn tập phải thực chất, tránh hình thức, dẫn đến tốn kém mà không hiệu quả; chủ động làm tốt công tác dự báo, chú ý những yếu tố về an ninh phi truyền thống như dịch bệnh…
Đồng thời, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tính sẵn sàng trong công tác cứu hộ, cựu nạn, ứng phó sự cố, thiên tai; tăng cường trao đổi, hợp tác với các nước để đúc rút ra những bài học kinh nghiệm phù hợp với thực tiễn đất nước.