Nước thủy lợi ô nhiễm làm tăng nguy cơ về sức khỏe

Theo Minh Phúc (Nongnghiep.vn)|03/06/2017 03:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vi phạm xả rác thải trên kênh tiêu thuỷ lợi BH10 tại xã Liêm Chung, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

(Moitruong.net.vn) – Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức hội nghị Bàn giải pháp xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi – hệ thống thuỷ lợi Bắc Nam Hà. Trong đó có vấn đề gia tăng tình trạng nước thủy lợi ô nhiễm.

Theo ông Vũ Phương Nam, chuyên viên Viện Quy hoạch Thuỷ lợi (Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ NN-PTNT), kết quả đo lường, đánh giá chất lượng nước tại hệ thống Bắc Nam Hà từ năm 2005 đến nay cho thấy, diễn biến môi trường trên hệ thống thuỷ nông Bắc Nam Hà ngày càng phức tạp do sự phát triển nóng của các khu đô thị, các làng nghề…

Trong khi đó, quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nên hệ thống tiêu thoát nước của các thành phố, khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề hầu hết không được xử lý mà trực tiếp xả thải ra các kênh thuỷ lợi, gây ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống. Thông qua kết quả phân tích đều không đủ tiêu chuẩn về chất lượng nước dùng trong sản xuất nông nghiệp cũng như các mục đích sử dụng khác.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi (KTCTTL) Bắc Nam Hà, cho biết theo tài liệu của các đơn vị trong hệ thống Bắc Nam Hà cung cấp, có 394 điểm xả thải, trong đó có 370 điểm xả thải không phải xin cấp phép, còn lại 24 điểm xả nước thải công nghiệp, bệnh viện, các đơn vị chưa xác định được số trường hợp phải cấp phép.

Đối với các trục kênh tưới, hiện nay kênh Hữu Bị, Cốc Thành đang trong tình trạng xả rác thải trực tiếp xuống lòng kênh từ các khu chợ, dân cư tập trung, gây ô nhiễm nguồn nước tưới và ách tắc dòng chảy nghiêm trọng.

Ông Dũng cho rằng, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chính quyền cấp xã, thị trấn chưa cao, một số xã ký hợp đồng với các hộ dân, doanh nghiệp thuê đất trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi để làm xưởng, bến bãi. Việc ngăn chặn vi phạm chưa kịp thời, chưa quyết liệt, né tránh, chưa có sự vào cuộc đồng bộ. Còn UBND các tỉnh, TP có văn bản chỉ đạo các địa phương xử lý vi phạm, nhưng chưa chú trọng đến kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi cho biết: Hiện nay, chất lượng nước ở rất nhiều công trình thuỷ lợi ở ĐBSH không đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và sinh hoạt. Ngay trong hệ thống thuỷ nông Bắc Nam Hà, nhiều chỉ tiêu quan trọng như NH4, DO, Coli, COD, BOD5, Fecal… vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Bởi, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và định hướng của Bộ NN-PTNT, Việt Nam cần hình thành một nền sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ. Nếu không có nước sạch (một yếu tố đầu vào quan trọng) thì không thể thực hiện được.

Theo Minh Phúc (Nongnghiep.vn)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước thủy lợi ô nhiễm làm tăng nguy cơ về sức khỏe