Tiến đến mục tiêu Net Zero, cần chú ý phát triển điện gió
Hiện nay khoảng 80% nhu cầu năng lượng toàn cầu được cung cấp bởi các nguồn nhiên liệu hóa thạch, ví dụ như than, dầu mỏ và khí tự nhiên. Khí thải nhà kính phát sinh từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính cho quá trình nóng lên toàn cầu, gây ra những tác động to lớn tới môi trường và hệ sinh thái của nhân loại.
Để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào giữa thế kỷ, giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 °C mà Hiệp định chống biến đổi khí hậu toàn cầu Paris đã đặt ra, thế giới phải có những bước đi mạnh mẽ, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, hạn chế sử dụng, tiến tới loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, đồng thời phát triển ứng dụng các dạng năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm môi trường.
Đó là lý do ngay sau cam kết của Việt Nam tại COP26, dự thảo quy hoạch điện 8 đã được Chính phủ yêu cầu chỉnh sửa lại theo hướng tăng cường điện gió, giảm nhiệt điện. Khi đề xuất đầu tư dự án ở Lạng Sơn, lãnh đạo Tập đoàn Trung Nam cũng nhắc đến COP26 như một chỉ báo cho phát triển năng lượng xanh ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chia sẻ: Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang thành nước nhập khẩu năng lượng. Do đó, vấn đề phát triển năng lượng tái tạo rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.
Trong nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất lắp đặt đến năm 2050 đạt khoảng 40-45%. Tuy nhiên, nhắc đến cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 tại Anh, ông Nguyễn Văn Vy cho rằng với cam kết đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo đến năm 2050 không phải 40-45% nữa mà có thể sẽ tăng lên nhiều.
Nhưng phân tích cơ cấu nguồn điện đến năm 2045, ông Nguyễn Văn Vy thấy rằng công suất lắp đặt nhiệt điện bao gồm nhiệt điện than và nhiệt điện khí vẫn chiếm khoảng 37,7%. Như vậy, đến năm 2045, sản lượng điện từ nhiệt điện vẫn chiếm khoảng 50-60% tổng sản lượng điện toàn hệ thống.
"Có thể khẳng định rằng thực hiện theo cơ cấu đó thì không thể thực hiện được mục tiêu trung hòa khí nhà kính vào năm 2050", ông Nguyễn Văn Vy đánh giá.
Thiếu cơ chế phù hợp
Theo đánh giá của các doanh nghiệp FDI, biểu giá điện hỗ trợ (FiT) cho các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang không được như kỳ vọng. Đến nay, hàng ngàn MW công suất của những dự án này phải chờ xác định giá bán điện phù hợp theo khuôn khổ pháp lý hiện hành, do dự án không đáp ứng được thời hạn tính đến ngày vận hành thương mại (COD) để được hưởng giá FiT ưu đãi.
Mới đây, dù Bộ Công Thương ban hành cách xác định khung giá cho các dự án chuyển tiếp này, cũng vẫn cần thêm thời gian để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các NĐT thống nhất giá bán cụ thể cho từng nhà máy điện.
Do tác động của đại dịch toàn cầu, các nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời, cũng như hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà, không tránh khỏi sự chậm trễ và kéo dài thời gian xây dựng. Đây là lý do khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư.
Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, kịp thời có giải pháp cho những dự án chuyển tiếp này là cần thiết hơn bao giờ hết, trong khi chờ chính sách mới về giá bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo.
Nhìn ở khía cạnh điều tiết của Nhà nước, năng lực tài chính của EVN là yếu tố vô cùng quan trọng đối với việc phát triển ngành điện bền vững. Bởi đây là cơ sở cho hợp đồng mua bán điện khả thi về mặt tài chính (PPA). EVN không thể tiếp tục trợ giá và chịu lỗ khi bán điện. Trên hết, cần sửa đổi các quy định liên quan để góp phần giải quyết những rào cản trong việc thu hút vốn.
Điều quan trọng, cần hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh để có tiêu chí rõ ràng làm cơ sở cho việc cấp tài chính xanh.
Các dự án điện không nối lưới, đặc biệt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái dưới hình thức hợp đồng mua bán điện PPA tại chỗ và hình thức tự đầu tư sẽ tiếp tục phát triển. Các dự án không nối lưới này đã chỉ ra rằng, bên phát điện và bên tiêu thụ điện có thể cùng nhau xây dựng các thỏa thuận mua bán điện dài hạn bền vững, để EVN xác định giá khi kết nối vào lưới điện quốc gia.
Trong bối cảnh Việt Nam ký kết JETP, từ đó mở ra nguồn tài chính quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam, các doanh nghiệp FDI hy vọng Chính phủ cho thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), và nên sớm được phê duyệt.
“Chương trình thí điểm này là một cơ chế quan trọng để thu hút các NĐT, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư tư nhân. Do đó, chúng tôi hy vọng có được sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc trình duyệt chương trình thí điểm DPPA để chương trình này có thể được triển khai trong quý đầu tiên của năm 2023”, kiến nghị của nhóm các doanh nghiệp FDI nhấn mạnh.
Thực tế, không riêng doanh nghiệp FDI, mà doanh nghiệp trong nước đầu tư lĩnh vực năng lượng cũng rất mong muốn cơ chế mua-bán điện trực tiếp được phê duyệt. Bởi đây là chính sách công bằng giúp các DN năng lượng tái tạo yên tâm dốc vốn đầu tư phát triển vào dự án điện.
Theo cơ chế này, bên bán là doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển dự án có thể dự báo được doanh thu trong dài hạn nhờ chủ động được sản lượng phần lớn hoặc toàn bộ điện sản xuất, sẽ chắc chắn được mua bởi khách hàng có uy tín với giá bán điện được cố định trong dài hạn.
Điều này giúp các đơn vị phát triển dự án giảm thiểu tối đa rủi ro tài chính và dễ dàng hơn trong tiếp cận các dòng tiền để tiếp tục phát triển đầu tư dự án.
Theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, với mục tiêu giảm phát thải ròng dần từng năm và sẽ bằng 0 vào năm 2050 đã mang đến nhiều cơ hội to lớn cho sự phát triển lĩnh vực năng lượng sạch, tái tạo, trong đó có điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Với các cơ chế khuyến khích của Thủ tướng Chính phủ, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc. Tổng công suất lắp đặt nguồn năng lượng tái tạo lên đến 21.549 MW chiếm 28% tổng công suất lắp đặt của toàn bộ hệ thống điện là 77.982 MW. Trong đó, công suất lắp đặt của điện mặt trời là 8.872 MW, điện mặt trời áp mái là 7.755 MW và điện gió là 4.596 MW.