Ngày 3/5, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng tại Khu rừng đặc dụng khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng, Phân trường Mỹ Phước 1, Phân trường Mỹ Phước 2 (huyện Mỹ Tú) và Phân trường Phú Lợi (huyện Châu Thành).
Tại phân trường Mỹ Phước 1, hệ thống nước ở các kênh mương vẫn đảm bảo. Ban lãnh đạo phân trường đã tăng cường lực lượng phối hợp với nhân dân trong khu vực tham gia bảo vệ rừng theo phương châm “phòng là chính”.
Cùng với đó, phân trường cũng thực hiện đồng bộ công tác quản lý, giám sát nguồn lửa, nguồn nhiệt. Bố trí các điểm chốt chặn, trạm kiểm soát, thực hiện canh gác, bảo vệ an toàn khu vực rừng. Duy trì chế độ trực 24/24 giờ trong suốt mùa hanh khô, để kiểm soát chặt chẽ những khu vực có nguy cơ cháy cao.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh là 10.300 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 1.700ha; rừng trồng đã thành rừng trên 6.600 ha và đất rừng đang trồng là hơn 1.900ha.
Theo phân loại mục đích sử dụng rừng, tỉnh Sóc Trăng có gần 6.800ha rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển ở các huyện Cù lao Dung, Kế Sách, Long Phú, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Diện tích rừng đặc dụng tại Khu căn cứ Tỉnh ủy cần bảo tồn là 270ha, diện tích rừng sản xuất là 3.235ha.
Theo bà Phan Thị Trúc Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, mùa khô 2023 – 2024 khá khắc nghiệt, nắng nóng liên tục, khiến nguy cơ cháy rất cao. Hiện những cánh rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh đang ở cấp độ cảnh báo cháy rừng cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Ngay từ đầu mùa khô năm 2024, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu với ngành nông nghiệp phối hợp với các cấp ngành, lực lượng vũ trang, địa phương và người dân khu vực gần rừng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, theo dõi chặt chẽ. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được bảo vệ an toàn, chưa xảy ra cháy rừng lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao công tác chủ động phòng chống cháy rừng. Nhất là công tác chuẩn bị phòng cháy, phương án xử lý khi có cháy xảy ra cũng như phương án khắc phục hậu quả sau khi cháy.
Ông Lâu đề nghị ngành chức năng cần tổ chức các lớp tập huấn phòng chống cháy rừng cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về công tác phòng cháy, đặc biệt là người dân sống cạnh bìa rừng. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu ngành kiểm lâm thành lập nhóm zalo để kịp thời thông tin về công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại địa phương, treo thêm các biển cảnh báo phòng cháy tại khu vực bìa rừng, khu vực khách tham quan.
Ngoài ra, khai thông cống rãnh, đưa nước vào những khu vực có rừng, để đảm bảo giữ ẩm cho lớp thực bì, kịp thời chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Tại các phân trường cũng cần trang bị thêm thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, năm 2025, Sở NN-PTNT cần lên kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan thực hiện diễn tập phòng chống cháy rừng ở quy mô cấp tỉnh.