Tập trung phòng chống xâm nhập mặn mùa khô 2019 – 2020

Hoài Thương (T/h)|14/12/2019 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mấy ngày gần đây, gió thổi mạnh, triều cường dâng cao kéo theo nước mặn tràn vào đất liền uy hiếp hàng chục nghìn ha vườn cây ăn trái ở Bến Tre.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa ở khu vực Nam bộ những tháng cuối năm 2019 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10% đến 30%. Vì vậy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào mùa khô 2019 – 2020.

Khô hạn và xâm nhập mặn khiến nhiều diện tích lúa bị chết ở ĐBSCL (Ảnh: K.V)

Ngay từ rất sớm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi các địa phương về việc xây dựng kế hoạch cụ thể để phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương bố trí sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở những vùng không đảm bảo nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích người dân chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng; tăng cường nạo vét các hệ thống kênh mương dẫn nước, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt; tăng cường tuyên truyền, thông tin về tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn tới người dân, các cấp chính quyền để nâng cao nhận thức, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, chủ động có giải pháp phù hợp.

Ông Nguyễn Quang Thương, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt, bão tỉnh Bến Tre cho biết, hiện mùa mưa đã kết thúc, mặn đang tiến vào các sông chính trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Đáng chú ý, thời gian tới, các đợt gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh do không khí lạnh liên tục tăng cường, kết hợp với các kỳ triều cường và mực nước thượng nguồn đang ở mức rất thấp, nên dự báo độ mặn sẽ còn tiếp tục tăng và xâm nhập sâu vào các sông trên địa bàn tỉnh.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, kết quả đo mặn tại 13 điểm trên các sông chính của tỉnh này gần đây cho thấy, độ mặn 4%o đã xâm nhập, cách các cửa sông chính khoảng 25 km đến 30 km, trong đó, sâu nhất là trên sông Hàm Luông, qua địa bàn xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm và xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam.

Để ứng phó nguy cơ hạn mặn khắc nghiệt trong mùa khô 2019 – 2020, theo ông Trần Hoàng Bá, Tổng Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang, công ty đề ra nhiều biện pháp nhằm chủ động ứng phó nguy cơ hạn hán khắc nghiệt, bảo vệ gần 40.500 ha đất sản xuất và đời sống nhân dân nội đồng dự án ngọt hóa Gò Công nằm ở duyên hải phía Đông tỉnh Tiền Giang. Trong đó, có gần 25.000 ha lúa vụ Đông Xuân 2019 – 2020, còn lại là cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày và rau màu… Từ đầu vụ Đông xuân 2019 – 2020, Công ty đã chủ động triển khai công tác quản lý và vận hành hệ thống cống đập trong toàn vùng dự án sao cho hợp lý đối với từng khu vực và từng thời điểm cần lấy nước tưới tiêu, chống hạn, ngăn mặn bảo vệ cây trồng; đồng thời, khai thác triệt để khả năng lấy nước ngọt trữ trong nội đồng của cống đầu mối Xuân Hòa khi có điều kiện.

Trong trường hợp mặn xâm nhập sâu thì tích cực theo dõi và vận hành cống Xuân Hòa lấy ngọt liên tục khi điều kiện cho phép ở mức độ mặn dưới 1,00 g/l trong giai đoạn sản xuất và dưới 1,50 g/l vào giai đoạn cuối vụ sản xuất Đông xuân. Đối với những cống không đảm bảo ngăn mặn thì đắp chết để ngăn triệt để, không cho mặn xâm nhập nội đồng.

Theo số liệu quan trắc vào cuối tháng 11/2019 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang thì trên tuyến sông Tiền đo tại cống Long Hải đã ghi nhận độ mặn 8,5 g/l, tại bến đò Rạch Vách độ mặn 2,4 g/l; trên sông Vàm Cỏ xuất hiện độ mặn đến 13,3 g/l tại bến đò Mỹ Điền, độ mặn 7,7 g/l tại cống Rạch Băng, đều sớm hơn và gay gắt hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2015, năm diễn ra hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt gây nhiều thiệt hại cho vụ sản xuất đông xuân 2015 – 2016 ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây, lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang và Long An, cùng các sở, ban, ngành có liên quan cũng đã có buổi làm việc, đề ra một số giải pháp nhằm bảo vệ nguồn nước tuyến kênh Nguyễn Văn Tiếp – Rạch Chanh, cũng như phối hợp để phòng chống nguồn nước mặn sắp tới. Theo đó, để thực hiện tốt việc phòng chống khô hạn và xâm nhập mặn trong mùa khô 2019- 2020, các sở, ngành có liên quan của hai tỉnh nói trên cần quan tâm chú trọng đến vai trò lãnh đạo của cấp cơ sở, công tác bảo vệ môi trường, nạo vét lòng kênh, nhất là nâng cao ý thức của người dân, quản lý xả thải tại các khu, cụm công nghiệp.

Đào ao chứa nước ngọt dùng cho sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô ở Long An. (Ảnh: K.V)

Trước dự báo mùa khô năm 2019 sẽ diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra hạn hán và xâm nhâp mặn rất cao, tỉnh An Giang đang triển khai phương án phòng chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất với diện tích trồng lúa và hoa màu trên 260.000 ha, trong đó, có hơn 24.000 ha có khả năng bị ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Mục tiêu là không để xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô hạn 2019 sắp tới. Để kịp thời chống hạn phục vụ lúa đông xuân và hè thu, UBND tỉnh An Giang đã yêu cầu các địa phương và ngành chức năng trong tỉnh chủ động lập kế hoạch phòng chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất cho hơn 260.000 ha gieo trồng lúa và hoa màu.

Khi mặn xâm nhập sâu vào các địa phương, An Giang cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân vùng giáp ranh tỉnh Kiên Giang tập trung tối đa phương tiện để lấy nước, trữ nước ngọt dùng trong thời gian dài, khi thực hiện lấy nước cần kiểm tra độ mặn của nguồn nước. Các địa phương và đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh phải tính toán, cân đối dành nguồn nước ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho đến hết mùa khô hạn.

Đồng thời, tỉnh An Giang cũng yêu cầu, trên cơ sở nguồn nước tại từng thời điểm và dự báo của cơ quan khi tượng thủy văn, các địa phương phối hợp với ngành chuyên môn chủ động hướng dẫn nhân dân sử dụng giống và bố trí loại cây trồng hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt nhằm thích ứng với sự thiếu hụt nguồn nước tưới.

Theo chuyên gia về khí tượng thủy văn, tổng lượng nước về đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục suy giảm, từ tháng 12/2019 đến 2/2020 thiếu hụt từ 25% đến 35%; các tháng cuối ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 10% đến 30%.

Cụ thể là từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020, tổng lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 25,6 tỷ m3 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 3,4 tỷ m3, thấp hơn so với năm 2018-2019 10,1 tỷ m3; từ tháng 3 đến 5/2020 tổng lượng dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 26,4 tỷ m3 ở mức cao hơn với trung bình nhiều năm 6,9 tỷ m3, thấp hơn năm 2019 là 9,8 tỷ m3.

Những con số trên cho thấy tình trạng thiếu nước, khô hạn nguy cơ rất là cao. Xâm nhập mặn các tháng đầu mùa khô tại các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn, sâu hơn trung bình nhiều năm. Khả năng xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm hơn và sâu hơn mùa khô năm 2018-2019 và trung bình nhiều năm.

Hoài Thương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tập trung phòng chống xâm nhập mặn mùa khô 2019 – 2020
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.