Thái Nguyên thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản

Minh Trang|10/11/2023 10:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thái Nguyên là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về ngành công nghiệp khai khoáng với nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn, như: Quặng sắt, titan, thiếc, chì, kẽm, than, vàng, vật liệu xây dựng… Từ lâu, ngành công nghiệp khai khoáng đã có đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp chế biến, luyện kim trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung và góp phần quan trọng thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển.

Để quản lý hiệu quả, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, tỉnh đã thực hiện Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020. Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2021, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án này, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản đã có những chuyển biến tích cực.

bao-ve-tai-nguyen-khoang-san.jpg
Soi cát bên sông Cầu, đoạn chảy qua xã Hà Châu, huyện Phú Bình được chính quyền và nhân dân bảo vệ còn khá nguyên vẹn đến ngày nay

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 130 mỏ khoáng sản đang hoạt động và 91 mỏ ngừng, tạm ngừng hoạt động do hết hạn giấy phép, bị thu hồi giấy phép khai thác. Khi thực hiện Đề án, các nhiệm vụ được triển khai bài bản, có chuyển biến rất lớn trong hoạt động khai thác khoáng sản và công tác quản lý khoáng sản chưa khai thác.

Theo cơ quan chức năng, các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND cấp huyện rà soát, xác định nhu cầu về khoáng sản để điều chỉnh, bổ sung các điểm mỏ khoáng sản, hoàn thiện Phương án bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản tỉnh Thái Nguyên để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/3/2023.

Một trong những nhiệm vụ mà cơ quan chức năng của tỉnh triển khai và đạt được nhiều kết quả nhất là việc nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Hội đồng thẩm định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của tỉnh đã tính, thẩm định và trình UBND tỉnh ban hành 22 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ được cấp phép, với tổng số tiền phải nộp là trên 31,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng năm, trên cơ sở giá tính thuế tài nguyên đã được UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và gửi Cục Thuế tỉnh để thông báo cho các doanh nghiệp được cấp phép khai thác. Tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp gồm: Năm 2021 là hơn 50 tỷ đồng/69 mỏ; năm 2022 hơn 41,6 tỷ đồng/57 mỏ; năm 2023 hơn 31,3 tỷ đồng/47 mỏ.

Các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã nộp ngân sách Nhà nước với tổng số tiền gần 2.360 tỷ đồng. Trong đó, thuế tài nguyên hơn 1.700 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường gần 245 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 413 tỷ đồng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng kiên quyết xử lý đối với các mỏ khai thác không đúng so với giấy phép, trong đó có nhiều mỏ bị yêu cầu tạm dừng hoạt động. Cơ quan chức năng của tỉnh cũng chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên kháng sản. Không ít lãnh đạo UBND cấp xã đã bị kỷ luật vì để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn... Qua đó, các hoạt động khai thác khoáng sản dần đi vào nền nếp, bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực này, như: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản…

Đặc biệt, tập trung kiểm tra, ngăn chặn và đề xuất các biện pháp quản lý có hiệu quả các hoạt động khoáng sản trái phép; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức khai thác khoáng sản, quy định về nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, việc chấp hành, thực hiện các thủ tục thuê đất, xây dựng cơ bản, đưa mỏ vào khai thác theo quy định...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản