Thừa Thiên - Huế triển khai loạt giải pháp đồng bộ để phát triển lâm nghiệp bền vững

Thanh Thanh|16/04/2024 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Để phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững, thời gian qua, TP. Huế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, đặc biệt không để xảy ra các điểm nóng phá rừng, lấn chiếm và khai thác rừng trái pháp luật.

Hiện nay, thành phố Huế có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 8.373ha, được phân bổ trên địa bàn 16 xã, phường, bao gồm diện tích rừng hơn 7.918ha, diện tích đất lâm nghiệp hơn 455ha; độ che phủ rừng 26,22%. 

Do áp lực đối với việc phát triển dân sinh kinh tế, các dự án, các tuyến đường cùng các hình thái thời tiết cực đoan đã gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, đồng thời gây khó khăn cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Ngoài ra, một số chủ rừng chưa thực sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR); một số diện tích rừng thông nằm sát khu vực dân cư nên nguy cơ cháy rất cao.

Trong năm 2023, cùng với công tác QLBVR, PCCCR luôn được các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố chú trọng và triển khai thường xuyên. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền lưu động vào mùa nắng nóng, tăng cường kiểm soát nguồn lửa gây cháy rừng, đặc biệt là việc xác minh thông tin báo cháy trên Hue-S, xây dựng quy trình thực hiện, đảm bảo tính kịp thời, chính xác vị trí, địa điểm phát cháy ngay từ ban đầu, làm cơ sở cho việc huy động lực lượng, phương tiện cũng như cách thức chữa cháy nhằm nhanh chóng dập tắt đám cháy. 

Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm thường xuyên bám cơ sở, tổ chức triển khai kế hoạch kiểm tra, trực phòng cháy tại hiện trường trong những ngày nắng nóng cao điểm, ngày rằm, dịp lễ, tết… nhằm ngăn chặn việc sử dụng lửa bất cẩn trong các hoạt động thắp hương viếng mộ, đốt vàng mã tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, phối hợp với các chủ rừng, chính quyền địa phương có rừng thông tổ chức phát dọn thực bì, giảm vật liệu cháy tại các diện tích rừng thông dễ cháy nhằm hạn chế thấp nhất việc cháy rừng xảy ra.

Công tác bảo tồn thiên nhiên cũng được Hạt Kiểm lâm thành phố chú trọng, trong đó việc quản lý trại nuôi động vật rừng; tiếp nhận, cứu hộ động vật rừng thường xuyên triển khai.

hue-lamnghiep-benvung-moitruongnet.jpg
Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã triển khai loạt giải pháp đồng bộ để phát triển lâm nghiệp bền vững

Ông Lê Nhân Đức - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Huế đưa ra dự báo, trong năm 2024, khả năng nắng nóng sẽ kéo dài trên nền nhiệt độ cao dẫn đến nguy cơ cháy rừng lớn, trong khi một số diện tích rừng thông đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn thành phố nằm xen kẽ giữa các khu vực dân cư, nghĩa trang, nguy cơ cháy rừng luôn rất cao.

Ông Đức cho biết, trước tình hình đó, TP. Huế sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác QLBVR. Mặt khác, hoạt động buôn bán động thực vật rừng trái phép ngày càng tinh vi, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng trong công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm và sự chủ động, quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền giáo dục, đặc biệt là giám sát của chính quyền địa phương đối với các hoạt động chuyển đổi trái phép đất rừng, kinh doanh, chế biến lâm sản, buôn bán động thực vật rừng trái phép trên địa bàn thành phố.

Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố cần tổ chức các lực lượng bảo vệ rừng, không để xảy ra các điểm nóng phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác rừng trái pháp luật nhằm bảo vệ tốt tài nguyên rừng trên địa bàn. 

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời; bảo vệ tốt các loài động vật hoang dã trên địa bàn. Trong đó, phối hợp giữa các lực lượng công an, dân quân tự vệ với kiểm lâm địa bàn kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực QLBVR và PCCCR.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Huế nhấn mạnh, một nhiệm vụ quan trọng nữa đó là thực hiện các hoạt động ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp tại địa phương, tăng cường quản lý các đối tượng khai thác xâm hại tài nguyên rừng; giám sát hoạt động các chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn được giao rừng để quản lý, bảo vệ, nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý rừng của các chủ rừng. 

Đồng thời, tăng cường giám sát việc sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, phối hợp chặt chẽ với phòng tài nguyên môi trường, UBND các phường, xã, các phòng ban liên quan hướng dẫn, tham mưu các thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đối với các dự án trên địa bàn nhằm thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế triển khai loạt giải pháp đồng bộ để phát triển lâm nghiệp bền vững