Việt Nam: Nguồn nước ngầm ngày càng ô nhiễm nặng

Minh Anh (T/h)|08/11/2019 07:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nước sạch ngày càng trở thành nguồn tài nguyên khan hiếm do quá trình đô thị hóa và cạnh tranh gia tăng giữa các mục đích sử dụng khác nhau.

Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng các hoạt động công nghiệp, năng lượng, giao thông kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Trong đó, sự suy giảm nguồn nước cũng như chất lượng nguồn nuớc ngầm đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của các đô thị.

Cùng với sự gia tăng các đô thị trên toàn quốc là sự gia tăng dân số đô thị. Theo đó, nhu cầu sử dụng nước không ngừng tăng. Thống kê sơ bộ cho thấy, lượng nước khai thác sử dụng cho các đô thị từ vài trăm đến hàng triệu m3/năm, trong đó khoảng 50% nguồn nước cung cấp cho các đô thị được khai thác từ nguồn nước ngầm. Các nguồn nước ngầm được khai thác nằm ngay trong đô thị hoặc ven đô thị.

Thế nên, theo thời gian, nhiều nguồn nước đã cạn kiệt hoặc đang bị ô nhiễm bởi sự xâm lấn quá nhanh của đô thị. Chỉ tính riêng Hà Nội, hiện mỗi ngày khai thác khoảng 800.000 m3 (khoảng 300 triệu m3/năm); TP.HCM khai thác khoảng 500.000 m3 (khoảng 200 triệu m3/năm). Các đô thị khu vực đồng bằng Nam bộ cũng đang khai thác khoảng 300.000 m3/ngày (110 triệu m3/năm).

Ảnh minh họa

Đáng lo ngại hơn là thực trạng nguồn nước ngầm ngày càng bị ô nhiễm nặng với hơn 60% lượng nước ngầm bị nhiễm hóa chất từ phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… Các kết quả nghiên cứu quan trắc mới nhất cho thấy, tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Hòn Gai, Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu… nguồn nước ngầm đang có những dấu hiệu cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn. Mực nước của các tầng chứa nước khai thác bị hạ thấp liên tục theo thời gian. Điển hình như Hà Nội, mực nước tầng chứa Pleistoxen hạ thấp với tốc độ 0,4m/năm; TP.HCM là 0,6m/năm; Cà Mau là 1m/năm… Sự nhiễm bẩn nguồn nước ngầm quan sát được ở các thành phố Hà Nội, Lạng Sơn, Đồng Hới, TP.HCM… ; lún sụt nền đất ở Hà Nội, TP.HCM, vùng Hoài Đức (HN), Cam Lộ (Quảng Trị)…

Tại khu vực miền núi phía Bắc, các đô thị khai thác nước từ tầng các thành tạo cacbonat. Nguồn nước này có quan hệ chặt chẽ với nguồn nước mặt và các yếu tố khí tượng. Nhưng các hoạt động công nghiệp đang ảnh hưởng nặng nề đến nguồn nước này. Tại các thành phố Lạng Sơn, Thái Nguyên, hệ thống giếng khoan khu vực sông Kỳ Cùng, sông cầu đang bị ô nhiễm nặng. Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, hàng loạt giếng khoan đang bị nhiễm mặn nặng nề do tốc độ khai thác quá nhanh trên cùng một địa tầng. Ở nội thành Hải Phòng, nhiều giếng khoan bị nhiễm mặn và mực nước tụt sâu 1-2 m.

Ngay tại Hà Nội, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, các nguồn cung cấp nước mặt chưa khai thác được, nhiều giếng khoan cũ bị suy giảm lưu lượng. Vì thế Công ty kinh doanh nước sạch hàng năm phải khoan thêm nhiều giếng khác thay thế. Kết quả quan trắc trong 15 năm qua cho thấy, diện tích vùng có cốt cao, mực nước 0m tăng lên 1,5 lần, vùng cốt cao mực nước -8m tăng 3 lần, vùng cốt cao mực nước -14m tăng lên 5 lần. Mực nước ở các lỗ khoan vùng nội đô giảm liên tục với tốc độ bình quân 0,4m/năm.

Hiện tượng suy giảm chất lượng nước cũng khá rõ, đặc biệt là ô nhiễm Asen và vật chất hữu cơ, các hợp chất nitơ. Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự nâng cao của nồng độ Asen trong nguồn nước ngầm không chỉ ở Hà Nội mà còn có ở các nơi khác như Hà Nam, TP.HCM… Các thành phần hóa học khác như NH4, NO2 cũng có sự biến động rõ rệt.

Với các đô thị miền Trung, nước ngầm được khai thác ở độ sâu nhỏ (khoảng 10 -25m), lớp phủ bề mặt mỏng nên dễ bị ô nhiễm. Qua khảo sát, phần lớn các nguồn nước này đều bị nhiễm vi sinh và một số chỉ tiêu vi lượng vượt mức cho phép nhiều lần. Đáng quan ngại là tình trạng xuất hiện hàm lượng thủy ngân vượt quá giới hạn cho phép có nguyên nhân từ quá trình khai khoáng, sản xuất công nghiệp và phân bón…

Ở các nước phát triển, nước ngầm đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá và được bảo vệ nghiêm ngặt. Với Việt Nam, đã đến lúc thắt chặt hơn nữa công tác bảo vệ nguồn tài nguyên này. Bởi lẽ, quá trình phát triển mạnh mẽ của các đô thị cũng như sản xuất công nghiệp đã và đang khiến một phần nguồn nước mặt bị thu hẹp và ô nhiễm. Để có nước phục vụ sinh hoạt, buộc các đô thị phải sử dụng nguồn nước ngầm. Đã có những đô thị trên thế giới phải lấy nuớc ngầm xa hàng trăm cây số bởi hệ thống nuớc ngầm trong và ven đô thị của họ đã cạn kiệt. Đó không phải là bài học mới, nhưng có lẽ vẫn chưa cũ trong bối cảnh phát triển đô thị quá nhanh, thiếu quy hoạch ở Việt Nam.

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Việt Nam: Nguồn nước ngầm ngày càng ô nhiễm nặng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.