Vụ nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát: “Khả năng ảnh hưởng môi trường biển khi nhận chìm là rất thấp”

Tuấn Minh|16/07/2017 06:53
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Khả năng phát tán chất thải ra môi trường biển khi nhận chìm là rất thấp

(Moitruong.net.vn) – Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Bình Thuận, ông Phạm Ngọc Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục biển hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết, “chất nhận chìm có hàm lượng 80% là sạn sỏi cát, chỉ có 2% là bùn và sét, còn lại là là vỏ ốc, sò… nên khả năng phát tán ra môi trường biển khi nhận chìm là rất thấp”.

Thời gian gần đây, việc nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất sau nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Bình Thuận đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trước đó, để đưa Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 vào hoạt động, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Ngày 23/6/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, với khối lượng gần 1 triệu m3, bao gồm 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa.

Và ngay sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm vật chất xuống biển, đã có một số ý kiến lo ngại về những tác động tiêu cực đến môi trường và sinh thái biển từ việc nhận chìm.

phạm ngọc sơnÔng Phạm Ngọc Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục biển hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường

Trước làn sóng dư luận, ông Phạm Ngọc Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục biển hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết: “Khi nhận được bộ hồ sơ xin nhận chìm của Công ty TNHH Vĩnh Tân 1, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hết sức thận trọng trong quá trình xem xét. Mặc dù không có quy định, nhưng Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp phép gồm 22 nhà khoa học, hải dương học, các ngành…”.

Quá trình thẩm định Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bám sát 4 yếu tố theo quy định của Luật: không được là chất chứa phóng xạ, chất độc vượt tiêu chuẩn môi trường; không tác hại ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và nguồn lợi thuỷ sản; không thể lưu giữ trên đất liền hoặc không hiệu quả về KTXH; và thuộc danh mục được phép nhận chìm. Cả 4 yếu tố này qua thẩm định thì đều đáp ứng, nên theo quy định của pháp luật phải cấp phép nhận chìm cho hồ sơ này.

Về khu vực nhận chìm, theo Luật TNMTB&HĐ, khu vực nhận chìm phải đảm bảo Quy hoạch sử dụng biển và Quy hoạch khai thác bền vững vùng tài nguyên vùng bờ. Tuy nhiên 2 luật này Việt Nam chưa có, do vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã căn cứ vào Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đã được phê duyệt từ năm 2014 để làm cơ sở pháp lý cấp phép.

Ông Sơn cho biết thêm, mặc dù Việt Nam chưa có kinh nghiệm về quản lý nhận chìm, nhưng cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng Luật TNMTB&HĐ quy định cụ thể việc nhận chìm, là căn cứ vào kinh nghiệm của quốc tế và Nghị định thư London 1996. Do vậy những quy định của Luật này đều tương tự như các quy định của quốc tế.

Giải thích vật chất nhận chìm có phải là chất thải hay không, ông Sơn cho biết Luật quy định có trường hợp là chất thải, nhưng cũng có trường hợp không là chất thải. Riêng chất nhận chìm tại Vĩnh Tân, “tôi khẳng định vật chất nhận chìm không phải là chất thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, không phải là chất thải của quá trình nạo vét của công trình mà là chất thải của biển nên đưa về biển. Chất thải này có từ lâu đời dưới biển, nay vì nhu cầu cho tàu vào chúng ta phải đào nó lên và đem chuyển nó đi chỗ khác. Nó là của biển và chúng ta đưa nó về biển. Hơn nữa, theo hồ sơ của Công ty Vĩnh Tân thì chất nhận chìm có hàm lượng 80% là sạn sỏi cát, chỉ có 2% là bùn và sét, còn lại là là vỏ ốc, sò…nên khả năng phát tán ra môi trường biển khi nhận chìm là rất thấp”, ông Sơn khẳng định.

Do vậy, đến thời điểm này, các chuyên gia môi trường khẳng định rằng, khả năng phát tán chất thải ra môi trường biển là rất thấp khi tiến hành việc nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát.

Tuấn Minh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát: “Khả năng ảnh hưởng môi trường biển khi nhận chìm là rất thấp”