(Moitruong.net.vn) – Tối ngày 2/11, tại Quảng trường Bạch Đằng (TP. Sóc Trăng), tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức khai mạc lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ III – khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2017 với chủ đề “Sóc Trăng phát huy bản sắc văn hóa – Hội nhập phát triển”.

Khai mạc Lễ hội Oóc om bóc

“Lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ III – khu vực ĐBSCL năm 2017” diễn ra từ ngày 28/10 đến 3/11/2017 tại TP. Sóc Trăng, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, như: đua ghe ngo; lễ cúng trăng; hội thi thả đèn nước, phục dựng ghe Kà-hâu; lễ hội đường phố; hội thao dân tộc; hội thảo khoa học; hội chợ thương mại, triển lãm, liên hoan ẩm thực… thu hút nhiều doanh nghiệp trong cả nước tham gia. Đây là điểm nhấn độc đáo trong tuần lễ Lễ hội – Du lịch của tỉnh, là điều kiện thuận lợi để tỉnh Sóc Trăng giới thiệu, quảng bá, mời gọi đầu tư, phát triển kinh tế; nhất là phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng miền.

Theo đánh giá, với những giá trị văn hóa lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Năm 2013, lễ hội được Chính phủ cho phép nâng lên thành “Festival đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL – tỉnh Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2013”. Đây là sự kiện văn hóa có tính cộng đồng lớn, mang tầm khu vực và quốc gia; là ngày hội đoàn kết, sáng tạo các giá trị văn hóa, thể thao dân tộc của cộng đồng dân cư ĐBSCL. Đây là cơ hội để các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, đặc biệt là tỉnh Sóc Trăng giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần tăng cường sự hiểu biết về văn hóa, mở rộng giao lưu, hợp tác, phát triển du lịch và hội nhập kinh tế.

Trước đó, đúng 12h ngày 2/11, tại khán đài đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng bắt đầu diễn ra thi đấu vòng loại Giải Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ III, Khu vực ĐBSCL năm 2017.

Thi đấu vòng loại Giải Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ III

Hội đua năm nay, có 49 đội ghe ngo nam (chia làm 16 bảng) và 12 đội ghe nữ (chia làm 4 bảng) tham gia tranh tài 2 nội dung: 1.200m nam và 1.000m nữ. Ngoài quy tụ gần như tất cả đội ghe ngo hiện có của các địa phương trong tỉnh, thì giải còn có những đại diện đến từ các tỉnh bạn, như: Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang.

Điểm thu hút của giải năm nay là sự quyết tâm của các đội ngay từ đợt đầu tiên và cả những lần đua chỉ mang hình thức thủ tục nhưng các đội vẫn cống hiến cho người xem những cuộc rượt đuổi quyết liệt đầy hào hứng. Sau phần tranh tài của các đội nam 12 đội nữ bước vào thi đấu vòng loại cũng không kém phần sôi nổi.

Với đồng bào Khmer, chiếc ghe Ngo chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh, được xem là vị thần bảo vệ sự bình yên, là hiện thân của tính đoàn kết và sức mạnh phum sóc. Vì thế, khi có ghe Ngo thì bà con Khmer từ trẻ đến già đều thể hiện sự trân trọng và luôn có lòng yêu thích khi được tham gia cùng đội ghe, góp một phần công sức cho đội ghe và bổn sóc của mình.

Mỗi chiếc ghe ngo trung bình dài khoảng 30 mét, có sức chứa hơn 60 người. Vì thế một đội ghe Ngo có từ 70-100 người nên phải quy tụ các thanh niên, trai tráng khắp phum sóc. Đồng thời, tạo nên một nét rất riêng chỉ có ở bộ môn đua ghe Ngo bởi sự đông đúc và đồng lòng của chính người chơi và khán giả.

Nhân Mã (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Lễ hội Oóc om bóc