Cà Mau: Mỗi năm mất 450 ha đất ven biển do sạt lở

T.Minh (TH)|07/06/2017 02:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mỗi năm tỉnh Cà Mau mất 450 ha đất ven biển do sạt lở

(Moitruong.net.vn)Tình trạng sạt lở ven biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn ra ngày càng nhanh và phức tạp. Ước tính, mỗi năm tỉnh này mất khoảng 450 ha đất ven biển do sạt lở.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tại bờ biển Tây, tình trạng sạt lở đang diễn ra nhanh, ở mức nguy hiểm, có nguy cơ phá vỡ đê biển và ảnh hưởng rất lớn khu dân cư ven đê với chiều dài 57.000m, bắt đầu từ vàm Tiểu Dừa, huyện U Minh đến cửa sông Bảy Háp, huyện Phú Tân.

Đặc biệt, các đoạn từ Tiểu Dừa đến Ba Tỉnh dài 25.000m; từ Ba Tỉnh đến Mũi Tràm dài 17.000m; Sông Đốc đến cửa Bảy Háp dài 15.000m. Tại các vị trí sạt lở rất nguy hiểm này, đai rừng phòng hộ còn rất mỏng, một số đoạn không còn rừng. Riêng đối với bờ biển Đông, qua khảo sát hiện có 48.000m bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm và 24.500m sạt lở ở mức độ rất nguy hiểm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, toàn tỉnh có khoảng 150km bờ biển bị sạt lở, xảy ra cả ven biển Đông và biển Tây. Bình quân sạt lở từ 20-25 m/năm ở bờ biển Tây, đặc biệt có những nơi lên đến 50 m/năm.

Ở biển Đông, bình quân mỗi năm sạt lở từ 45-50m. Trung bình mỗi năm, bờ biển của Cà Mau sạt lở khoảng 450ha; nhiều đoạn sạt lở vào sát chân đê biển, đe dọa đến 100.000ha đất nuôi trồng thủy sản của trên 260.000 hộ dân.

Sạt lở diễn ra không chỉ hàng ngàn ha rừng phòng hộ đã mất, diện tích đất rừng người dân được giao khoán để phát triển nuôi trồng thủy sản cũng bị biển cuốn phăng. Sinh kế người dân không còn, các khu dân cư bị uy hiếp, đời sống bấp bênh…

sạt lở ven biển cà mauTình trạng sạt lở diễn ra nhanh và phức tạp làm đời sống người dân gặp nhiều khó khăn

Gia đình bà Phan Thị Nga (ấp Khánh Hưng A, xã Khánh Hải, Trần Văn Thời) có 5 nhân khẩu. Trước đây, kinh tế của gia đình chủ yếu dựa vào gần 2 ha đất vuông được giao khoán. Nhưng vài năm trở lại đây, do tình trạng sạt lở ven biển nghiêm trọng, kinh tế gia đình lâm cảnh khó khăn hơn.

Còn gia đình anh Trần Văn Quý (Khóm 6B, TT.Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) đã bám trụ tại vàm Rạch Miễu gần 20 năm rồi. Nhưng chỉ khoảng 5 năm nay, gia đình anh phải dời nhà 3 lần do sạt lở. Theo chia sẻ của anh Quý, cách đây khoảng 10 năm, biển lúc lở lúc bồi, đường bờ biển cách vị trí nhà anh ở đến hơn 1 km. Thời gian gần đây, biển không bồi, không đắp mà cứ bị sóng dữ đánh lở. Khu dân cư này, trước đây có mấy chục hộ, nhưng biển lấn miết chỉ còn 15 hộ ráng bám trụ lại để sống bằng nghề đánh bắt ven bờ.

Theo ông Ngô Hoàng Sơn, Hạt trưởng Hạt Quản lý Rừng phòng hộ biển Tây: “Năm 2009, diện tích rừng do đơn vị quản lý lên tới hơn 4.100 ha. Số liệu mới nhất hiện nay diện tích rừng chỉ còn khoảng 2.100. Nguyên nhân làm diện tích rừng suy giảm mạnh là do biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển biễn ra toàn tuyến. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo kết thúc hợp đồng nhận khoán rừng với người dân. Chúng tôi đã thanh lý hợp đồng với 630 hộ dân được giao khoán, nhưng do chưa có chỗ cho bà con tái định cư, nên nhiều hộ chưa dời đi”.

Trước thực trạng sạt lở diễn ra phức tạp, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã tập trung khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với tổng chiều dài gần 22.700m và tổng mức đầu tư hơn 640 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai xây dựng các loại kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè tường mềm giảm sóng để khắc phục sạt lở đê biển với chiều dài gần 6.700m.

Bên cạnh đó, với yêu cầu phải di dời gần 4.800 hộ dân ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao và cư dân bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu vùng ven sông, ven biển, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết sẽ cần thêm nguồn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng thực các dự án tái định cư, tạo sinh kế cho người dân.

T.Minh (TH)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Mỗi năm mất 450 ha đất ven biển do sạt lở