Đồng Tháp: Phát triển mô hình thu gom rác thải nông nghiệp

Hồng Hạnh|01/12/2020 09:22
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.350 thùng chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật, là những thùng chứa bao bì và chai thuốc trừ sâu đã sử dụng.

Để bảo vệ môi trường, tỉnh Đồng Tháp đã mở rộng hoạt động thành lập các nhóm thanh niên tự quản bảo vệ môi trường, Hội Nông dân… thu gom bao bì, chai lọ thuốc trừ sâu đã sử dụng đưa vào thùng chứa được trang bị ở các địa phương. Mô hình thu gom rác thải nông nghiệp nguy hại thực hiện mạnh ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình và Tam Nông.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, việc các bao bì và chai thuốc trừ sâu đã sử dụng vứt bừa bãi trên đồng ruộng, kênh, bờ bao là nơi lưu trữ chất thải nguy hại. Để bảo vệ môi trường, nhiều địa phương được cung cấp thùng chứa bao bì và chai thuốc bảo vệ thực vật. Các thùng chứa được lắp đặt theo đường làng nông thôn để người dân bỏ vào một cách thuận tiện. Tỉnh đã phát động “Ngày Chủ nhật xanh”, thành lập các nhóm thanh niên tự quản bảo vệ môi trường, hội viên nông dân tham gia thu gom rác thải là bao bì, chai thuốc bảo vệ thực vật. Hội Nông dân các huyện thực hiện mô hình sạch nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng ở các chi hội. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có thùng chứa chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp.

Thu gom rác thải nông nghiệp ở vùng nông thôn

Ông Nguyễn Thành Dũng, nông dân ở ấp 1, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình cho biết, vừa qua, tỉnh hỗ trợ lắp 2 thùng chứa rác thải từ nông nghiệp, một thùng chứa bao bì và một thùng chứa chai thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng. Từ khi có thùng chứa, hơn 1 tháng nay, ông đã thu gom hàng trăm kg rác thải do bà con vứt rải rác trên đồng, trên bờ bao, dưới kênh,…

Mô hình thu gom rác thải là vỏ bao bì, chai thuốc bảo vệ thực vật được triển khai thực hiện vào tháng 6/2014, theo chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” do Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang phát động, được bà con thực hiện hiệu quả cho đến nay. Trọng tâm mà chương trình hướng đến là tuyên truyền, vận động người dân sản xuất nông nghiệp xanh.

Xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, vừa qua, một số doanh nghiệp như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Syngenta… chuyên sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cũng thực hiện nhiều hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Hồng Hạnh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Tháp: Phát triển mô hình thu gom rác thải nông nghiệp