[Góc nhìn tuần qua]: Ứng dụng công nghệ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng
Với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi diễn biến rừng, cảnh báo cháy rừng..., công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Công tác kiểm soát hiệu quả, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật giảm rõ rệt. Đồng thời, diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ được duy trì và phát triển.
Ngày nay, công nghệ hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực, và lĩnh vực lâm nghiệp cũng không ngoại lệ. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, cũng như phòng cháy chữa cháy rừng, đang ngày càng áp dụng công nghệ, mang lại những kết quả tích cực.
Nhờ ứng dụng công nghệ, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắn động vật hoang dã trái pháp luật, hay xâm hại, lấn chiếm đất rừng đã được kiểm soát hiệu quả.
Việc sử dụng các thiết bị bay không người lái để xác định vị trí đám cháy và vạch ra tuyến đường ngắn nhất huy động lực lượng chữa cháy, hay sử dụng GPS để định tuyến tuần tra cố định, đã trở thành giải pháp hữu ích.
Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại thông minh ghi lại tọa độ vị trí rừng bị tác động để đối chiếu với bản đồ hệ thống cũng giúp tăng hiệu quả bảo vệ rừng.
Cùng với đó, hệ thống bẫy ảnh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều tra đa dạng sinh học. Nhờ hệ thống này, nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm đã được phát hiện. Các thiết bị công nghệ hiện đại đang giúp giám sát và bảo vệ rừng hiệu quả hơn bao giờ hết.
Với nhiều tính năng hữu ích, việc trang bị và áp dụng khoa học công nghệ trong ngành lâm nghiệp, trong công tác bảo vệ phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng đang được triển khai trên khắp cả nước. Đó cũng là cách giúp rừng cùng với tài nguyên đa dạng sinh học và các nguồn gene quý sẽ được bảo vệ ngày càng hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo Cục Lâm nghiệp, việc thiết lập được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua công cụ quản lý dữ liệu và tuần tra thống nhất dùng chung trên cả nước về quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học các khu rừng đặc dụng, phòng hộ phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến cơ sở, góp phần bảo tồn phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học quốc gia.
Yêu cầu công cụ quản lý dữ liệu SMART được xây dựng với hướng tiếp cận đơn giản, dễ sử dụng và đầy đủ các trường thông tin cơ bản để phục vụ tốt nhất cho hoạt động quản lý của các khu rừng.
Mô hình dữ liệu sử dụng đơn giản, phù hợp với kiểm lâm viên địa bàn, cán bộ bảo vệ rừng và các nhóm tuần tra bảo vệ rừng cộng đồng ghi nhận thông tin hiện trường trong quá trình tuần tra thực địa.
Các phiên bản SMART được triển khai trong hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ phải thống nhất sử dụng phiên bản tiếng Việt; đối với các dự án, tổ chức quốc tế và trong nước có hỗ trợ các khu rừng đặc dụng, phòng hộ triển khai phiên bản SMART tiếng Anh phải cập nhật phiên bản SMART tiếng Việt để thống nhất triển khai tại Việt Nam.
Nhờ sự đóng góp hiệu quả việc áp dụng rộng rãi công nghệ số, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về rừng, trong đó có hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, ngày càng được nâng cao.
Rừng được giữ vững ổn định và phát triển cả về diện tích và chất lượng, qua đó đã phát huy tốt vai trò trong việc bảo tồn hệ sinh thái rừng đặc trưng, các loài đặc hữu, loài nguy cấp, quý hiếm; bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng danh lam thắng cảnh, đồng thời bảo đảm chức năng phòng hộ.
Hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ đã được bảo vệ, bảo tồn gần như nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng tự nhiên quan trọng, giữ vững khả năng phòng hộ, cũng như bảo tồn đa dạng sinh học, đã có nhiều loài động vật quý hiếm xuất hiện trở lại hoặc phát hiện vùng phân bố rộng, như: rái cá lông mũi, voọc quần đùi trắng, voi…; đồng thời, tạo ra nhiều giá trị cung ứng dịch vụ môi trường và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, đây là giai đoạn trước mắt, về lâu dài, cần tiếp tục đầu tư ngân sách cho các dự án phát triển, bảo vệ và phục hồi hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức các ban quản lý rừng. Cần hoàn thiện một số cơ chế chính sách nhằm nâng cao các định mức kinh tế kỹ thuật, nhất là công nghệ số cho các hoạt động của các ban quản lý rừng trên cả nước…