Kiên Giang: Phòng ngừa ứng phó và khắc phục sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh

Trương Anh Sáng|30/12/2018 10:50
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Nhằm xây dựng môi trường tỉnh trong lành, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên. Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý toàn diện hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành kế hoạch số 161 nhằm huy động mọi nguồn lực tham gia trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trườngtrên địa bàn tỉnh.

>>>Tết Dương lịch 2019: Khánh Hòa đón 59.600 lượt khách du lịch

>>>Rét đậm, rét hại ở miền Bắc có thể kéo dài đến hết 04/01

Một số điểm nóng ô nhiễm môi trường ở Kiên Giang. Ảnh Internet

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối phối hợp các ngành, địa phương lập kế hoạch và thực hiện việc xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ và ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh để đảm bảo sẵn sàng, ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có sự cố môi trường xảy ra. Hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở lập và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường theo đúng quy định. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cho các cơ sở có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường những khóa huấn luyện, đào tạo và xây dựng lực lượng tại chỗ ứng phó sự cố môi trường.

Chủ trì tổ chức, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các cơ sở có nguy cơ cao gây ra sự cố môi trường đế có biện pháp phòng ngừa; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường về danh sách các cơ sở có nguy cơ cao gây sự cố môi trường để phối hợp giám sát, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra và quan trắc môi trường theo hướng thường xuyên, nghiêm ngặt hơn với các đối tượng có nguy cơ cao gây sự cố môi trường. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Danh mục các ngành nghề, vùng, địa điểm có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh và các giải pháp phòng ngừa, xử lý, thành lập “Ban chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường của tỉnh”.

Công an tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở lưu giữ và sử dụng hóa chất, kinh doanh xăng dầu, khí đốt và các cơ sở có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh; kiểm tra tính sẵn sàng để ứng phó với sự cố môi trường, trang thiết bị, dụng cụ dùng để ứng phó sự cố môi trường của cơ sở. Xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành tổ chức triển khai việc điều tra, xác định nguyên nhân, phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường, trách nhiệm của các bên liên quan khi có sự cố môi trường.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp lập phương án bảo vệ môi trường trong đó có kế hoạch ứng phó sự cố môi trường quy định tại Điều 21 của Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường của địa phương trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Chủ động tổ chức, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành rà soát các cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường thuộc địa bàn quản lý để có các biện pháp phòng ngừa.

Đồng thời, gửi danh sách các cơ sở có nguy cơ cao gây sự cố môi trường về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, phối hợp giám sát. Hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc quyền quản lý lập phương án bảo vệ môi trường trong đó có kế hoạch ứng phó sự cố môi trường theo Điều 21 của Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Báo cáo tình hình sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn quản lý cho Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ và đột xuất khi có sự cố và khi có yêu cầu.

Các sở, ban, ngành liên quan thuộc lĩnh vực ngành quản lý phải chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương triển khai giải pháp phòng ngừa, ứng phó và hạn chế gia tăng ô nhiễm khi có sự cố môi trường xảy ra. Trong trường hợp sự cố môi trường xảy ra theo từng ngành, vùng hoặc địa điểm,…Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc lĩnh vực ngành quản lý, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện phải chủ động tiến hành triển khai ngay các biện pháp ứng phó cấp cơ sở tại chỗ.

Đồng thời, cử người đại điện theo pháp luật và cán bộ chuyên môn phối hợp cùng đoàn triển khai giải pháp phòng ngừa, ứng phó và cung cấp thông tin chính xác về Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để phòng ngừa, ứng phó và hạn chế gia tăng ô nhiễm khi xảy ra sự cố môi trường do tràn dầu, các thảm họa do thiên tai, bão, lụt trên địa bàn tỉnh.

 Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện các phương án kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và hạn chế gia tăng ô nhiễm khi có sự cố môi trường xảy ra trên đất liền, trên sông, trên biển do sự cố tràn dầu, các thảm họa do thiên tai, bão, lụt gây ra trên địa bàn tỉnh; đảm bảo giao thông vận tải, thông tin liên lạc thông suốt, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau khi sự cố môi trường do thảm họa, thiên tai, bão, lụt xảy ra. Chỉ đạo huy động và bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó và khắc phục vụ việc, sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh trong trường hợp thiên tai, thảm họa xảy ra; ứng cứu sự cố tràn dầu trên sông, đầm, biển. Điều động và tổ chức, phối hợp với các lực lượng, các phương tiện của các địa phương, các tổ chức và cá nhân, kể cả các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, để thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục vụ việc, sự cố môi trường do thiên tai, thảm họa, ứng cứu sự cố tràn dầu nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.

 Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải có nguy cơ gây ra sự ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa: Lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường. Lắp đặt, trang bị các thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự cố môi trường. Đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng tại chỗ ứng phó sự cố môi trường. Tuân thủ quy định về an toàn lao động, thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên. Có trách nhiệm thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện kịp thời biện pháp để loại trừ nguyên nhân gây ra sự cố khi phát hiện có dấu hiệu sự cố môi trường. Trong trường hợp xảy ra vụ việc, sự cố môi trường thì việc thông báo, tiếp nhận và báo cáo thông tin giữa các cấp quản lý tại địa phương và giữa địa phương với Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường cần được tổ chức thực hiện như sau:

Địa phương xác định rõ trách nhiệm, đầu mối liên lạc và phương thức liên lạc trong quá trình ứng phó sự cố môi trường; xác định và thông báo về đầu mối liên lạc và phương thức liên lạc giữa địa phương với Ủy ban nhân dân tỉnh. Công tác tiếp nhận và báo cáo thông tin về vụ việc, sự cố môi trường cần đảm bảo kịp thời, chính xác. Việc ứng phó cần bảo đảm nguyên tắc kịp thời và hiệu quả trên cơ sở phối hợp của các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó sự cố môi trường trên cơ sở phối hợp, đồng bộ với việc chuẩn bị ứng phó loại hình sự cố khác. Xác định rõ, cụ thể vai trò và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức liên quan trên địa bàn trong việc ứng phó khẩn cấp, nhằm đảm bảo quá trình ứng phó sự cố môi trường hiệu quả và không chồng chéo. Trong trường hợp cần thiết, thành lập Ban Chỉ huy ứng phó sự cố môi trường tại hiện trường, phân công cán bộ tham gia và bố trí nguồn lực phù hợp để đảm bảo đúng thẩm quyền, trách nhiệm và sẵn sàng cho công tác ứng phó sự cố môi trường.

Khi có thông tin liên quan tới sự cố môi trường tại cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện cần chỉ đạo hoặc trực tiếp kiểm tra thông tin về vụ việc sự cố môi trường, đánh giá mức độ của sự cố môi trường và các nguy cơ đe dọa đối với con người, công trình, thiết bị, môi trường,… xác định mức báo động và thông báo tới cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận thông tin theo kế hoạch ứng phó sự cố môi trường của các cơ sở, các cấp hoặc theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Căn cứ vào tình hình cụ thể, người có thẩm quyền sẽ quyết định và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó phù hợp, thông báo cho các thành viên của Ban Chỉ huy ứng phó sự cố môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh. Các tình huống cần phải được đánh giá liên tục nhằm kịp thời cập nhật tình hình để đưa ra phương án ứng phó phù hợp với thực tế. Căn cứ vào mức độ sự cố môi trường và mức độ cảnh báo, người đứng đầu các cấp tại địa phương có trách nhiệm phân công người chủ trì chỉ huy ứng phó sự cố môi trường và các thành viên tham gia và huy động nguồn lực ứng phó sự cố môi trường.

Quá trình ứng phó sự cố môi trường cần được xây dựng và thực hiện theo nguyên tắc “Bốn tại chỗ” và phù hợp với từng phương án ứng phó cụ thể. Trong trường hợp sự cố môi trường vượt quá quy mô của địa phương, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố môi trường lập tức thông báo cho các cơ quan cấp trên và các ngành liên quan để huy động lực lượng và phương tiện hỗ trợ ứng phó sự cố môi trường. Trường họp sự cố môi trường có khả năng gây tác động lớn hoặc ảnh hưởng tới địa phương khác, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu triển khai cơ chế ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định tại Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, thông báo tới Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Chính phủ để chỉ đạo và phối hợp thực hiện.

Đối với việc xác định nguyên nhân, quan trắc, đánh giá và khắc phục sự cố môi trường khi sự cố môi trường xảy ra, giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai việc điều tra, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan về sự cố môi trường và công khai kết quả điều tra về nguyên nhân, mức độ, phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trên địa bàn làm căn cứ để yêu cầu bên gây ô nhiễm, sự cố phải bồi thường; trường hợp thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trên địa bàn liên huyện hoặc trường hợp xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn 01 huyện nhưng phạm vi ảnh hưởng lớn, rủi ro ô nhiễm, thiệt hại cao, Ủy ban nhân dân cấp huyện cần kịp thời thông báo Ủy ban nhân dân tỉnh để tham gia tổ chức điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường.

Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường phải tiến hành ngay biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân trong khu vực. Đồng thời, phải có trách nhiệm lập kế hoạch và thực hiện quá trình chuyển từ giai đoạn ứng phó khẩn cấp sang giai đoạn phục hồi môi trường, đưa hoạt động kinh tế xã hội trở lại trạng thái bình thường, bao gồm các vấn đề có liên quan đến quy định vai trò và chức năng của các tổ chức tham gia việc phục hồi sau sự cố môi trường, cách thức cung cấp thông tin, phương pháp đánh giá hậu quả sự cố môi trường gây ra và các biện pháp giảm thiếu những hậu quả đó,….

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Phòng ngừa ứng phó và khắc phục sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh