Ô nhiễm không khí ở mức cao: Làm gì để bảo vệ sức khỏe?
Những ngày qua, các tỉnh miền Bắc đang trải qua những ngày không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, các chỉ số đo được đều ở mức có hại cho sức khỏe.
Sáng nay 2/1, hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường (VN Air) ghi nhận một màu tím bao trùm Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang và các tỉnh đồng bằng sông Hồng với chỉ số ô nhiễm không khí rất cao.
Tại Thủ đô Hà Nội, ghi nhận của VNAir ở cả hai điểm đo tại 556 Nguyễn Văn Cừ và cổng Đại học Bách khoa Hà Nội đều ở ngưỡng tím, riêng tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, chỉ số AQI lên tới 275 lúc 6h sáng nay.
Hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ còn ghi nhận chỉ số AQI tại điểm đo ở ngõ 58 phố Từ Hoa, quận Tây Hồ lên tới trên 500 (cực kỳ nguy hại). Các chuyên gia cho rằng, sự tăng cao bất thường tại một điểm đo thường liên quan đến các hoạt động đốt mở như đốt rác, đốt rơm rạ.
Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 278, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí đứng thứ 2 thế giới. Chi tiết tại Hà Nội, có 2 trạm đo ở quận Tây Hồ và quận Hai Bà Trưng ghi nhận chỉ số AQI màu tím "rất không tốt cho sức khỏe con người" lần lượt ở mức 297 và 231. Đứng thứ 2 về mức độ ô nhiễm, sau Hà Nội là thành phố Thái Nguyên, với chỉ số AQI ở mức 279.
Còn theo VNAir, ngoài Hà Nội ghi nhận ô nhiễm, còn có các địa phương Thái Nguyên (chỉ số AQI ở mức 286), Hà Nam, Hưng Yên (cùng có chỉ số AQI 261). AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.