Các nhà khoa học vừa tìm thấy rạn san hô lớn nhất thế giới ở mũi phía đông nam của Quần đảo Solomon (Thái Bình Dương) trong khu vực được gọi là Three Sisters.
Nhóm nhà khoa học của National Geographic đã phát hiện ra ốc đảo san hô sống động và đầy màu sắc này trong một cuộc thám hiểm trong khu vực. Rạn san hô lớn đến mức các nhà nghiên cứu đã nhầm tưởng nó là một xác tàu đắm.
Nhóm nghiên cứu cho biết nó lớn hơn cá voi xanh (loài động vật hiện lớn nhất và nặng nhất hành tinh) và khổng lồ tới mức có thể nhìn thấy từ trên cao.
Nhà sinh thái học biển Enric Sala cho biết con người thường nghĩ rằng đã khám phá hết mọi điều trên Trái Đất, nhưng rạn san hô này lại chứng minh điều ngược lại. Với gần 1 tỷ polyp nhỏ tạo thành, rạn san hô khổng lồ này thực sự là một kỳ quan của tự nhiên.
Được hình thành từ một mạng lưới phức tạp của các polyp san hô nhỏ, cấu trúc này đã phát triển liên tục trong khoảng 300 năm.
Khác với các rạn san hô thông thường được tạo thành từ nhiều quần thể san hô riêng biệt, rạn san hô mới phát hiện là một thực thể độc lập.
Với chiều rộng 34m và chiều dài 32m, rạn san hô này lớn gấp ba lần so với kỷ lục trước đó là rạn san hô Big Momma ở Samoa (Mỹ). Các nhà khoa học cho rằng rạn san hô này có kích thước lớn đến mức có thể nhìn thấy từ ngoài không gian.
Người phát hiện ra nó là Manu San Felix - một nhà quay phim, chuyên gia sinh vật biển nổi tiếng kiêm nhà thám hiểm của National Geographic (Mỹ).
Ông Manu San Felix có phát hiện chấn động này khi đang trên tàu của National Geographic đi đến những vùng xa xôi của Thái Bình Dương để xem nơi này bị ảnh hưởng như thế nào bởi biến đổi khí hậu.
"Khi đang lặn ở vùng biển nơi bản đồ ghi là có xác tàu đắm, đột nhiên tôi nhìn thấy một thứ gì đó. Tôi cùng đồng nghiệp và cũng là con trai của mình (Inigo) quyết định mạo hiểm lặn sâu hơn nữa để kiểm tra. Và rồi trước mắt chúng tôi là một sinh vật khổng lồ, tuổi đời hàng thế kỷ" - Ông Manu San Felix kể lại.
Các đại dương nóng hơn và có tính axit cao hơn đã làm cạn kiệt sự sống của san hô ở nhiều vùng biển nhiệt đới trong khu vực, trong đó có cả rạn san hô Great Barrier nổi tiếng của Australia.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết khám phá mới nhất này đã mang lại một tia hy vọng. Nhà khoa học san hô Eric Brown nhận định trong khi các rạn san hô khác đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu, việc phát hiện ra một rạn san hô khổng lồ và khỏe mạnh như vậy là một tin vô cùng tích cực.
Rạn san hô mới này được ví như một ngọn hải đăng, mang đến hy vọng cho tương lai của các hệ sinh thái biển.
Điều kinh ngạc hơn cả, các nhà khoa học phát hiện, quần thể san hô đặc biệt này có thể có khả năng phục hồi trước căng thẳng, bao gồm cả nhiệt độ biển quá mức. Nhóm nghiên cứu ước tính rằng nó có tuổi đời từ 300 đến 500 năm, nghĩa là nó đã trải qua nhiều sự kiện tẩy trắng toàn cầu và vẫn sống sót.
Phát hiện này xuất hiện vào thời điểm các rạn san hô trên khắp thế giới đang dần biến mất.
Biến đổi khí hậu đang làm ấm đại dương và nước ấm giết chết san hô. San hô có màu sắc và phần lớn thức ăn đến từ tảo cộng sinh sống bên trong polyp. Khi nước biển quá ấm, tảo đỏ biến mất và san hô chuyển sang màu trắng — hoặc "tẩy trắng". Về cơ bản, khi san hô bị tẩy trắng có nghĩa là nó đang chết đói.
Ba phần tư các rạn san hô trên thế giới đã phải chịu đựng mức nhiệt nóng của đại dương đủ để gây ra hiện tượng tẩy trắng kể từ đầu năm 2023, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Nhiều rạn san hô đã chết.
Trong khi đó, nghiên cứu mới cho thấy hơn 40% san hô cứng - loài san hô tạo nên các rạn san hô, như quần thể san hô mới được phát hiện ở Quần đảo Solomon - đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Trước sự mất mát đó, khám phá mới nhất này là "ngọn hải đăng hy vọng", nhà thám hiểm Molly Timmers thuộc National Geographic cho biết.