Tỉnh đã ra Nghị quyết về quy hoạch và phát triển cây quế Trà My trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, có 4 địa phương được quy hoạch phát triển cây quế là Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước và Phước Sơn; trong đó, lấy Nam Trà My là địa bàn chủ lực của việc phát triển cây quế.
Tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển và ổn định vùng nguyên liệu với diện tích trồng cây quế Trà My đạt 7.777 ha; trong đó, trồng mới là 4.017 ha và 3.760 ha diện tích hiện có. Đồng thời, tiếp tục phát triển trồng mới 2.223 ha để đến năm 2030 diện tích trồng quế đạt 10.000 ha.
Cây Quế đã từng có 1 thời hoàng kim, giúp nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc ở miền núi Quảng Nam thoát nghèo
Quế Trà My được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý vào tháng 10/2011. Với đặc điểm có mùi thơm, vị cay nồng đặc trưng, chứa hàm lượng tinh dầu cao nên Quế Trà My được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Đã có 1 thời gian, cây quế mang lại giá trị kinh tế cao cho người đồng bào dân tộc đặc biệt là ở các xã Trà Leng, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Mai… Nhiều hộ gia đình vươn lên khá giả từ loại cây này.
Tuy nhiên sau đó, do thị trường xuất khẩu bị ngưng trệ, lại thêm chất lượng quế Trà My giảm sút do nguồn cây giống lẫn tạp không bảo đảm chất lượng, cho nên thị trường tiêu thụ bị thu hẹp dần, cuộc sống người trồng quế rơi vào cảnh khó khăn.
Nhiều nơi, người dân địa phương đành phải chặt bỏ nhiều diện tích quế để trồng lại keo lá tràm và các loại cây ngắn ngày khác. Mặc dù vậy, vì là loại cây đã gắn bó nhiều năm với người đồng bào dân tộc nơi đây nên họ vẫn quyết tâm giữ lại. Đặc biệt, những xã như Trà Leng, Trà Dơn vẫn có rất nhiều vườn quế bản địa có tuổi thọ lên đến hàng chục thậm chí hàng trăm năm.
Trước những cơ chế này, vừa qua Cty TNHH tư vấn Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Việt Nam đã chọn tỉnh Quảng Nam để thực hiện đề án “Quy hoạch vùng dược liệu hữu cơ, kết hợp nhà máy sơ chế và chế biến dược liệu công nghệ cao”. Với kỳ vọng, khi dự án được triển khai sẽ giúp cho người đồng bào ở miền núi Quảng Nam có đầu ra ổn định cho cây quế, từng bước nâng cao đời sống và thu nhập.
Với mong muốn giúp người dân địa phương tiếp tục phát triển kinh tế từ loại cây bản địa này, thời gian gần đây, huyện Nam Trà My đang có kế hoạch để đưa nghề trồng quế tại đây trở thành một thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện cũng như tỉnh. Đây cũng được xem là một phương án thoát nghèo, giảm nghèo bền vững cho đồng bào nơi đây.
Để trồng quế theo hướng chuyên canh giúp người dân miền núi thoát nghèo bền vững thì bên cạnh sự nỗ lực của người dân, Quảng Nam cũng đã lập dự toán về nhu cầu vốn và phân kỳ đầu tư. Cây quế được phát triển theo hướng chuyên canh giúp chúng ta có cái nhìn rõ nét hơn về việc phát triển quế Trà My. Hy vọng những chính sách của địa phương sẽ giúp loại quế này phát triển tốt hơn, mang đến những sản phẩm đạt chất lượng vươn tầm quốc tế, để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Minh Anh