Tết trong miền ký ức của người Hà Nội

Hoàng Sơn|27/01/2020 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tết xưa trong ký ức của người Hà Nội là cảnh tinh mơ xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch để mua vài hộp mứt tết. Tết là lúc tiếng nói cười râm ran trong sương mờ se lạnh ngày đông để chọn cho gia đình một cành hoa, là những điều giản dị của một thời khó khăn về vật chất nhưng vẫn ấm áp tình người…

Tết Hà Nội xưa chỉ đơn giản là cành đào thắm, hộp mứt thập cẩm, bánh pháo tép đì đùng hay cảnh cả nhà quây quần gói bánh chưng, song nó gợi lại bao cảm xúc hồi hộp thân thương về một không khí Tết rộn ràng.

Tết bao cấp

Tết “bao cấp” là cụm từ rất đỗi thân quen với thế hệ 7X, 6X trở về trước của Hà Nội.Từ sau ngày đất nước thống nhất (1975) đến năm 1986, đây được coi như một giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ XX. Việc mua sắm chủ yếu do các công ty mậu dịch quốc doanh đảm nhiệm, được gọi là bách hóa tổng hợp, bách hóa bán lẻ, hay cửa hàng thực phẩm. Vào ngày Tết, các cửa hàng được mở rất sớm và bán tận đến 30 Tết mới nghỉ để phục vụ nhân dân.

Tết của người Hà Nội xưa không thể thiếu cành đào thắm, bánh chưng xanh

Thời đó, hàng hóa được Nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, chế độ hộ khẩu được thiết lập để phân phối lương thực, thực phẩm theo đầu người. Bà Nguyễn Thanh Vân, một người con gái Hà Nội thế hệ 5X rưng rưng kể lại, ngày đó Tết chỉ có vài hộp mứt thập cẩm, gọi là thập cẩm chứ chỉ có vài miếng mứt bí, mứt cà rốt, vài cái kẹo lạc…Xếp hàng cả buổi chiều mới mua được vài lạng đỗ xanh để gói bánh chưng, may chăng thì mua được ít thịt, có thêm bánh pháo tép và mấy bông hoa tươi nữa là thành cái Tết linh đình.

Trong ký ức của mỗi người dân Hà Nội, ngày Tết vẫn là những sinh hoạt quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Tuy không được trang hoàng rực rỡ đèn, hoa như bây giờ mà chỉ là những tiếng chuông vọng ra từ đền Ngọc Sơn, đền Hàng Trống, chùa Bà Đá, quyện trong mưa phùn đêm giao thừa là mùi hương trầm phảng phất nhưng cũng đủ tạo nên không khí Tết đường phố không bao giờ quên.

Hà Nội khi đó cũng có nhà cao tầng nhưng hoang sơ lắm, con đường đê Yên Phụ bây giờ rộng và đẹp lung linh như thế, nhưng trước đây, chỉ là một con đê đất rợp cỏ và những cây gạo ven đê. Chợ hoa khi đó nằm trên phố Hàng Lược. Tết đến, đào Nhật Tân, quất Quảng Bá mang xuống chợ hoa nở rực rỡ. Ngày đó, mọi người có thói quen chơi đào cành chứ không mua cả chậu cây như bây giờ. Trên ban thờ mỗi nhà đều cắm một cành đào Nhật Tân nhỏ, nụ chúm chím hồng thật tao nhã.

Ông Đồ trên phố Hàng Bồ ngày Tết

Hình ảnh kinh thành Thăng Long đã đi vào dĩ vãng hơn 1.000 năm, thế nhưng những dấu ấn xưa cũ dường như vẫn còn in dấu trên từng góc phố, từng ngôi nhà, trên cả gương mặt những người con đất Hà thành. Ở miền kí ức ấy, Hàng Bồ được coi như cái nôi của văn hóa đất kinh kỳ bởi nơi đây luôn hiện hữu hình ảnh những câu đối đỏ, tranh Tết, những tàu mực thơm, những ông đồ già ngồi đó mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Không biết tự khi nào, Hàng Bồ đã trở thành phố tranh Tết, chỉ biết rằng cứ trước khi Tết đến, những ông đồ mặc áo the, đầu chít khăn lại tụ hội tại đó, khác hẳn với hình ảnh khu phố Hàng Bồ thường ngày. Ở đó bày biện đủ các loại tranh, có “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong”, có tranh Hàng Trống mang đậm nét dân gian đặc trưng của một dân tộc văn hóa. Các loại tranh dân gian được vẽ trên giấy dó, mang màu sắc của làng quê, của hoa cỏ đồng nội tự nhiên mà dân dã. Gà, lợn, đám cưới chuột, hứng dừa, đánh ghen, đánh vật,… tất cả tạo nên một không gian sống động và tươi vui, gửi gắm ở trong đó biết bao ý niệm, bao tâm tình của người làm tranh, luôn một lòng hướng về truyền thống, với những gì là tâm hồn, là tinh hoa của dân tộc.

Tết tưng bừng tiếng pháo

Nhắc tới Tết ngày xưa, hẳn ai cũng nghĩ ngay tới từ khóa là “Pháo”. Pháo ngày xưa không pải là pháo hoa rực rỡ bắn vào đêm giao thừa như bây giờ mà là pháo dây với tiếng nổ “đùng”, “đoàng” rất vui tai mà nhiều người vẫn ví von là “nổ to như pháo rang”. Ngày ấy khi những đứa trẻ, bình thường phải đi ngủ sớm lắm, từ trước 10h nhưng duy nhất vào đêm giao thừa là được thức khuya tới sau 12h. Vào thời khắc chuyển giao, nhà nhà lại châm pháo và tạo nên những tiếng nổ rộn ràng, khói mịt mù len lỏi khắp mọi nẻo đường. Mỗi lần pháo nổ chúng lại bịt tai vào và chỉ thích ngửi mùi pháo, nghịch xác pháo màu hồng hồng tím tím bên thềm nhà.

Ngày ấy, ngoài giai điệu Happy New Year kinh điển của nhóm ABBA, là những bài hát xuân của hải ngoại như Mộng chiều xuân, Xuân họp mặt hay Cánh thiệp đầu xuân. Sau đêm giao thừa hay sáng mùng Một Tết, người dân Hà Nội lại mở băng casette những giai điệu này.

Những đứa bé hồi ấy nghe Happy New Year thì chẳng hiểu gì nhưng vẫn thấy bài hát này ấm áp đến lạ thường. Cứ như vậy, nhạc phẩm của nhóm ABBA dù ý nghĩa thực sự là mang không khí ảm đạm, buồn bã của ngày đầu năm mới nhưng với người dân Việt Nam, nhạc phẩm này vẫn ăn sâu vào tiềm thức từ năm này qua năm khác và trở thành giai điệu bất tử mỗi dịp xuân về.

Buổi sáng mùng Một Tết là thời điểm mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cảm thấy háo hức khi ngủ dậy được nhận tiền lì xì của bố mẹ, họ hàng. Những món ăn như bánh chưng, nem rán, hành muối chỉ đến Tết mới xuất hiện trong bữa ăn của mọi nhà. Sau bữa cơm đầu năm bên gia đình, ai cũng đều hồi hộp chờ xem người họ hàng nào sẽ “xông đất” nhà mình trong năm mới.

Sau đó là công cuộc nhận tiền mừng tuổi, khi thì 100, 200, 500 đồng. Thời ấy, người nào làm ăn phát đạt, khấm khá lắm mới lì xì tiền “nghìn” như 2000, 5000 đồng. Trẻ con thời ấy vào sáng mùng Một gần như đứa nào cũng thích có nhiều tờ tiền khác nhau với đủ màu sắc và đem ra ngồi chơi cùng nhau trong khi người lớn khăn áo to sụp ngồi bàn chuyện “ngày xưa”.

Hình ảnh của một Hà Nội vắng lặng, xác pháo nhuộm hồng các con phố, mùi khen khét của pháo xen lẫn vào từng cơn gió “cắt da cắt thịt”.

Không gian ngày Tết giản dị, ấm cúng của biết bao gia đình Hà Nội 

Tết Hà Nội xưa nay vẫn thế

Vào ngày đầu năm mới, người Hà Nội có thói quen đi lễ chùa. Đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ 3 ngày Tết luôn chật cứng người, chủ yếu là người đi bộ.

Trải qua nhiều năm nhưng Hà Nội vẫn giữ được những nét văn hóa đẹp cho riêng mình. Không khí ăn Tết ở Hà Nội cũng được lưu giữ và truyền lại qua bao thế hệ mà vẫn giữ được phong vị cổ truyền của ngày xưa.

Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm cúng vô cùng. Kỉ niệm về Tết thời xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí những người đã đi qua thời gian.

Vẫn là hoa đào, hoa mai, vẫn bánh chưng và không khí nhộn nhịp của ngày Tết, nhưng Tết của ngày xưa và ngày nay đã khác nhau rất nhiều. Và chắc hẳn, có những thứ ta chỉ có thể tìm lại trong ký ức, trong hình ảnh còn lưu lại về ngày hôm qua…

Trong cái đủ đầy của xã hội hôm nay, ngày Tết cổ truyền cũng ấm cúng hơn, người lớn có nhiều lựa chọn hơn cho việc mua sắm, trẻ con súng sính hơn trong những bộ quần áo ấm áp, tươi tắn. Nhưng trong ký ức của những người đã từng trải qua năm tháng nghèo nàn của Hà Nội thì Tết Hà Nội xưa là những ngày đẹp nhất trong ký ức mỗi người.

Hoàng Sơn

Bài liên quan
  • Chợ quê ngày Tết – Níu giữ hồn Việt
    Moitruong.net.vn – Vào những ngày cuối năm, đi chợ quê mới cảm nhận được không khí Tết đang về. Mọi người hồ hởi, phấn khởi mua sắm chuẩn bị để đón chào năm mới. Chuối, bưởi, lá dong, hoa quả… là những mặt hàng không thể thiếu trong mỗi phiên chợ quê ngày Tết. Dù đón Tết ở nơi đâu trên mọi miền Tổ quốc, người dân Việt Nam cũng cảm nhận được hồn quê trong phiên chợ ngày Tết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết trong miền ký ức của người Hà Nội