Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường vận động xử lý triệt để các ‘điểm đen’ về rác thải

Ngọc Ánh (t/h)|13/05/2019 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sau 6 tháng vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, TP.HCM đã xử lý dứt điểm được 277/369 điểm đen về rác thải, 10.832 thùng rác công cộng đã được lắp đặt tại các tuyến đường, tuyến hẻm, kênh rạch…

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU về cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 11/5.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở ngành, địa phương phấn đấu tới tháng 9/2019 thực hiện xóa bỏ hoàn toàn 92 điểm đen về rác thải, xây dựng thành các điểm sinh hoạt cộng đồng xanh, sạch, đẹp.

Thành phố có kế hoạch xử lý triệt để, tiến hành tháo gỡ 39 vị trí lấn chiếm cống, kênh rạch, đồng thời thực hiện kế hoạch nạo vét kênh, rạch, giữ gìn vệ sinh tại 5 tuyến kênh, rạch chính trên địa bàn thành phố.

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, những vấn đề bức xúc của thành phố hiện nay là môi trường, kẹt xe và ngập nước; trong đó môi trường, ngập nước có thể thực hiện theo hướng thay đổi nhận thức, thói quen của người dân và không xả rác là việc làm thiết thực, phát huy hiệu quả.

Việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU xác định trách nhiệm đầu tiên của Ủy ban Nhân dân thành phố, trong đó tập trung phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn toàn thành phố. Ủy ban Nhân dân thành phố cần tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể ký kết thực hiện Chỉ thị số 19, đẩy mạnh việc tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về vấn đề môi trường. Các quận, huyện đẩy mạnh tổ chức đối thoại, triển khai thực hiện Chỉ thị số 19 ở phường, xã tiến tới tất cả các phường, xã đăng ký phấn đấu trở thành phường, xã không xảy ra trường hợp xả rác

Đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố sẽ chú trọng xây dựng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong tuyên truyền người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt cuộc vận động, duy trì thực hiện các mô hình, cách làm hiệu quả trong thời gian qua.

Các đoàn thể, địa phương cần thường xuyên tổ chức các hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh,” “Ngày thứ Bảy tình nguyện,” “15 phút vì thành phố văn minh-sạch đẹp” nhằm vận động nhân dân tại các khu phố, khu dân cư thực hiện tổng vệ sinh bảo vệ môi trường tại các tuyến đường, hẻm trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, một trong những giải pháp quan trọng là tổ chức, sắp xếp lực lượng thu gom rác dân lập vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, gắn với việc chuyển đổi phương tiện thu gom tại nguồn để phù hợp với quy định hiện hành; đẩy mạnh thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn; rà soát, bố trí các điểm tập kết, trung chuyển rác phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đồng thời triển khai có hiệu quả các dự án cải tạo, nạo vét, khai thông, duy tu, bảo dưỡng hệ thống các kênh rạch.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện chưa thường xuyên, liên tục. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chỉ tập trung thực hiện trong thời gian diễn ra lễ phát động và sự chỉ đạo của cấp trên. Việc xử lý rác thải ra đường và kênh rạch, xử lý điểm “đen” về ô nhiễm chưa được giải quyết triệt để.

Công tác ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường chưa thu hút được đông đảo nhân dân cùng tham gia. Tình trạng vứt rác bừa bãi, phát, rải tờ rơi quảng cáo vẫn còn diễn ra ở nhiều khu vực.

Một điểm đen rác thải tại TP Hồ Chí Minh

Việc tổ chức đối thoại với nhân dân về vệ sinh môi trường chưa được quan tâm, mới có 62/322 phường xã, thị trấn có tổ chức. Nhiều địa phương chưa thành lập các tổ đội xung kích để giải quyết nhanh tình trạng rác thải trên địa bàn.

Nguyên nhân khiến công tác vận động còn hạn chế do nhận thức về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động của một số cấp ủy, chính quyền, nhất là của người đứng đầu chưa đầy đủ toàn diện, do đó lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, đồng bộ, chưa đảm bảo yêu cầu đề ra. Ý thức một bộ phận nhân dân chưa cao trong việc giữ gìn vệ sinh chung; việc kiểm tra, xử lý những vi phạm về môi trường chưa thường xuyên và thiếu kiên quyết. Phong trào phát động ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường ở một số địa phương còn mang tính phô trương, hình thức, chưa thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19, thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các địa phương tăng cường xử lý vi phạm của người dân, đơn vị, doanh nghiệp trong vấn đề vệ sinh môi trường; xây dựng cơ chế phối hợp tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của người dân về vấn đề môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra đột xuất các điểm tập kết rác; hướng dẫn và yêu cầu hộ dân kinh doanh ở mặt đường thực hiện lưu trữ và để rác thải, chất thải đúng quy định.

Tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn TP nhìn chung có cải thiện. Nhiều điểm “đen” về rác thải, ao tù nước đọng gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân đã được các địa phương tập trung xử lý. Thực hiện phân loại rác tại nguồn tốt hơn, giảm đáng kể việc vứt rác ra đường, kênh rạch và nơi công cộng. 10.832 thùng rác công cộng đã được lắp đặt tại các tuyến đường, tuyến hẻm, kênh rạch và nâng cấp, sửa chữa 4 nhà vệ sinh công cộng; trao tặng các vật dụng như thùng rác, túi đựng rác, bao tay, kẹp gắp rác, túi xách thân thiện với môi trường, nhãn dán phân loại rác cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Cụ thể, toàn thành phố đã xử lý dứt điểm được 277/369 điểm đen về rác thải; nhiều quận, huyện thực hiện tốt việc ký cam kết của các tổ chức, hộ gia đình với chính quyền trong thực hiện thỏa thuận thời gian thu gom rác, giữ gìn vệ sinh môi trường tuyến đường, khu dân cư.

Hiện TP có 5 tuyến kênh với 55km thoát nước trong nội thành, đồng chí Bí thư đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường phải bàn với các quận, huyện về tính chất ngập nước để có phân công giám sát hành vi xả rác sai vi quy định; phải công bố và duy trì những đoạn kênh đã được nạo vét. Đồng thời sớm triển khai củng cố hệ thống thu gom rác, xác định TP cần bao nhiêu thùng rác công cộng, phấn đấu năm sau đặt đủ số thùng.

Ngọc Ánh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường vận động xử lý triệt để các ‘điểm đen’ về rác thải