TPHCM: Ngưng tiếp nhận heo từ các tỉnh phía Bắc

Hoàng Anh (T/h)|13/03/2019 05:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Bắc và có nguy cơ xâm nhập các tỉnh phía Nam, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM đã yêu cầu các lò mổ ngưng nhập heo từ các tỉnh phía Bắc, chỉ nhập từ những vùng an toàn như miền Tây, Đông Nam Bộ.

Ngày 12-3, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Tính đến ngày 12-3, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở 13 tỉnh thuộc khu vực miền Bắc. Cụ thể là Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên.

Ông Liêm khẳng định, diễn biến của dịch tả heo châu Phi rất phức tạp và vai trò của các sở ngành là hết sức quan trọng. “Các quận huyện tăng cường kiểm tra tại các cửa ngõ giao thông nhưng tránh trường hợp gây cản trở, ảnh hưởng đến giao thông đi lại”, ông Liêm nói.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM cho biết, hiện thành phố có 3.917 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn là 274.154 con, trong đó có 247 hộ nuôi heo bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn. Nguồn thức ăn này có nguy cơ gây bệnh dịch tả heo châu Phi cao.

Thành phố có 11 cơ sở giết mổ heo với số lượng giết mổ bình quân 6.500-7.000 con heo trong một ngày. Từ ngày 25-2 đến nay, các cơ sở giết mổ heo không tiếp nhận heo từ các tỉnh phía Bắc nhằm hạn chế nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh vào địa bàn thành phố. Nguồn heo nhập vào thành phố giết mổ chủ yếu từ Đồng Nai (46,41%), Bình Dương (19,03%)…. Ông Trung cho biết thành phố chỉ tự cung cấp được 20% lượng thịt heo tiêu thụ.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp nêu một số khó khăn trong việc phòng chống dịch. Cụ thể, TPHCM là đầu mối tiêu thụ thịt heo lớn nhất trong khu vực. Do giá heo giữa miền Bắc và miền Nam chênh lệch nên bình quân hàng ngày có 14-16 xe vận chuyển khoảng 2.000 – 2.500 con heo từ các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội… vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình dịch chuyển sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trước nguy cơ lây lan dịch tả heo châu Phi, từng quận, huyện đã có những biện pháp phòng chống dịch.

Đại diện huyện Củ Chi cho biết, huyện có 2.300 hộ nuôi heo với 135 ngàn con. Đây là huyện nuôi heo nhiều nhất của TPHCM, chiếm 50% tổng đàn heo của thành phố. Huyện cũng đã có những biện pháp cụ thể để phòng chống dịch tả heo châu Phi.

Đại diện huyện Hóc Môn cho biết, huyện có khoảng 400 hộ chăn nuôi heo, số lượng trên 23.000 con. Lượng heo giết mổ khoảng 1.500 con/ngày. Đại diện của huyện cho biết, số lượng này không giảm so với trước đây. Hóc Môn đã xây dựng kế hoạch ứng phó đối với dịch bệnh, trong đó xác định công tác tuyên truyền là hàng đầu.

Hóc Môn có hộ nuôi heo bằng thức ăn thừa và huyện đang giám sát chặt chẽ các hộ này.

Hoàng Anh (T/h)

Bài liên quan
  • Dịch tả heo châu Phi tiếp tục lan ra 13 tỉnh, thành
    Moitruong.net.vn – Thông tin mới nhất từ các địa phương cho thấy, đến ngày 10/3, dịch tả lợn châu Phi (ASF) tiếp tục xuất hiện ở Nam Định và Ninh Bình, đưa số địa phương có bệnh ASF lên 13 tỉnh thành, cùng với: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TPHCM: Ngưng tiếp nhận heo từ các tỉnh phía Bắc