TSKH Nghiêm Vũ Khải: Cần có quy hoạch, kế hoạch sử dụng hiệu quả để đảm bảo an ninh nguồn nước

Hoàng Dương|02/11/2021 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hiện nay, các chính sách, quy định chưa tính toán đầy đủ giá trị của tài nguyên nước, dẫn đến các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nước không tiết kiệm, dẫn đến thất thoát, lãng phí nước, gây thất thu ngân sách nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với TSKH Nghiêm Vũ Khải – Đại biểu Quốc hội, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước; đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước; khai thác, sử dụng nguồn nước sạch hợp lý nhằm góp phần vào tiến trình phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, sự gia tăng ngày càng lớn của các hoạt động sử dụng nước, sự tác động của biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn nước.

Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải – Đại biểu Quốc hội, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

PV: Thưa TSKH Nghiêm Vũ Khải, để đảm bảo chất lượng và an ninh nguồn nước, công tác quy hoạch và sử dụng nước đóng vai trò như thế nào? 

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Trong hoạt động quản lý nhà nước, ngoài nhiệm vụ quan trọng về xây dựng thể chế thì công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn nước cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Để làm tốt điều này, công tác điều tra, kiểm kê vô cùng quan trọng, trở thành cơ sở để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sau này. Bên cạnh đó, việc các bộ ngành, địa phương đã có phần đánh giá tổng kết được xem là thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài phục vụ mục đích sản xuất, sinh hoạt thì phải đánh giá một cách căn bản hơn.

Trong không gian, vùng, địa lý khác nhau, vĩ độ khác nhau, mùa khô đến sớm – đến muộn, phải đánh giá được đặc điểm trữ lượng, chất lượng, đặc điểm hóa lý, chất lượng dòng chảy, những vấn đề quan hệ quốc tế về những dòng sông chảy xuyên các quốc gia để có thông số một cách chính xác. Khi nắm rõ được các thông số, chúng ta mới có quy hoạch, kế hoạch lâu dài, thích ứng với từng thời gian.

Đây là việc rất khó khăn bởi lẽ chúng ta từng đưa ra rất nhiều kế hoạch nhưng không có đủ tiềm lực, nguồn lực để thực hiện. Hoặc điều tra chưa đúng sẽ dẫn đến quy hoạch, kế hoạch sai. Vì vậy, chúng ta phải có những cách tiếp cận khác nhau.

Tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tư vấn xây dựng nguồn nhân lực, có chính sách động viên, khuyến khích để có nguồn nước hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường. Như trường hợp của Israel, 70-90% nguồn nước là từ tái chế. Để làm được điều đó, chúng ta phải áp dụng công nghệ tốt và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, một số vùng ở nước ta bị thiếu nước theo mùa do sự phân bố nguồn nước không đồng đều. Thưa TSKH Nghiêm Vũ Khải, ông có ý kiến chia sẻ gì về vấn đề này?.

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Một số diễn giả cho rằng chúng ta thiếu nước một cách tự nhiên, khi nước ta nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa với lượng mưa 2.000- 2.500mm. Năm 2009, Đại sứ Israel chia sẻ về việc ao ước một năm chỉ cần có lượng mưa như Hà Nội mà không có. Do đó, không thể nói là nước ta thiếu nước.

Chúng ta có 63% nguồn nước từ tự nhiên đó là sông ngòi. Nhưng vì nạn phá rừng đã làm cho chúng ta kiệt quệ về nguồn nước. Ở miền Bắc, một cơn mưa 3-4 tiếng sau nước ngấm vào các tầng đá, lớp cỏ thực vật…, 3-4 tiếng sau nước mới chảy ra suối nên mới có nước ngầm. Việc chúng ta gây ô nhiễm nguồn nước đã khiến 70% nguồn nước chúng ta không dùng được. Thay vì than vãn, chúng ta hay tìm ra giải pháp để khắc phục.

Tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ đồng bào vùng khan hiếm nước

PV: Có ý kiến cho rằng, chính sách, quy định hiện nay chưa tính toán đầy đủ giá trị của tài nguyên nước dẫn đến các đơn vị, tổ chức sử dụng nước không tiết kiệm, làm thất thoát, lãng phí nước, gây thất thu ngân sách nhà nước, không kêu gọi được việc xã hội hóa trong ngành nước. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?.

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Trong nền kinh tế thị trường, tính giá đúng, giá đủ là yêu cầu hết sức quan trọng. Nếu tính giá không đúng thì rất ảnh hưởng đến người sản xuất, người tiêu dùng và nhà quản lý. Tính giá đúng chính là việc đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính vì vậy, tính giá là vấn đề cốt lõi. Năm 2008, tôi đi giám sát ở Đồng Nai, Bình Dương thấy người dân bơm nước ngầm lên để phục vụ cho nhà máy giặt nhuộm, hàng nghìn, hàng chục nghìn m3. Việc bơm như thế thì bao nhiêu triệu năm mới có thể tích lũy được?

Có thể thấy, khi mà chúng ta bơm nước lên thì lại có một nguồn nước khác thay thế bù đắp vào lượng nước ngầm đã hút lên. Trong khi đó môi trường thay đổi, bị ô nhiễm, nhưng nguyên tố độc hại cũng vì thế sẽ ngấm xuống nguồn nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước. Như vậy là chúng ta đang thiệt hại đơn, thiệt hại kép. Tôi đề nghị, để đảm bảo được an ninh nguồn nước thì vấn đề tính giá, cải thiện giá, đầu tư về khoa học công nghệ phải được làm ngay.

Tôi nhận thấy việc xử lý rác thải, nước thải có nhiều vấn đề, tương đồng nhất là vấn đề công nghệ. Rất nhiều nhà sáng chế tạo ra các lò đốt rác, đa phần là không tồn tại được mấy chục năm. Vì rác có rất nhiều chất độc hại, dễ bị ăn mòn. Vì vậy, Việt Nam cần tính đến chuyện đầu tư về công nghệ, cùng chia sẻ lợi ích với các nhà sáng chế nước ngoài để có hiệu quả chúng ta cùng có lợi. Đầu tư khoa học công nghệ, lấy khoa học công nghệ làm cốt lõi thì mới có giá đúng, giá rẻ. Bảo đảm lợi ích giữa các bên thì mới có thể xã hội hóa.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Dương

Bài liên quan
  • Ông Nguyễn Quang Huân: Tổng kiểm kê tài nguyên nước – Bức tranh toàn cảnh trong bảo vệ an ninh nguồn nước
    Moitruong.net.vn – Việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước và Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước là bước đột phá, là cơ sở để đánh giá lại việc khai thác và sử dụng nguồn nước sinh hoạt cho hiệu quả hơn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc phỏng vấn, trao đổi với ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Cần có quy hoạch, kế hoạch sử dụng hiệu quả để đảm bảo an ninh nguồn nước