Đồng Nai: Sẽ quy hoạch thêm 8 khu công nghiệp?

Ngọc Linh (t/h)|29/10/2019 05:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tỉnh Đồng Nai đề xuất bổ sung quy hoạch thêm tám khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 5.000 ha cho phát triển công nghiệp.

Theo đề xuất của các địa phương, tỉnh Đồng Nai sẽ điều chỉnh mở rộng ba KCN là Dầu Giây (huyện Thống Nhất) thêm 75 ha, KCN Long Khánh (TP Long Khánh) tăng thêm 500 ha và KCN Tân Phú (huyện Tân Phú) tăng 170 ha. Đồng thời bổ sung thêm các KCN với diện tích trên 4,3 ngàn ha.

Theo đó, huyện Long Thành là địa phương đề xuất bổ sung thêm nhiều KCN nhất với bốn KCN có tổng diện tích gần 2,5 ngàn ha. Trong đó, xã Phước Bình sẽ có thêm hai KCN, một khu rộng gần 900 ha và một khu khoảng 500 ha. Hai xã Tân Hiệp, Bình An, mỗi xã sẽ có thêm một KCN. Các KCN trên đều có doanh nghiệp đề xuất sẽ làm chủ đầu tư để đầu tư hạ tầng.

UBND huyện Thống Nhất cũng đề xuất thêm KCN ở xã Xuân Thiện với diện tích khoảng 200 ha. Khu này giáp với KCN Suối Tre của TP Long Khánh.

Bên cạnh đó, huyện Cẩm Mỹ đưa vào quy hoạch KCN ở xã Xuân Quế, huyện Nhơn Trạch, thêm một KCN tại xã Phước An và TP Long Khánh sẽ có thêm một KCN ở xã Hàng Gòn.

Như vậy, trong giai đoạn tới, các địa phương tại tỉnh Đồng Nai đề xuất bổ sung thêm hơn 5.000 ha đất phát triển công nghiệp. Các sở, ngành cơ bản đồng ý với việc điều chỉnh mở rộng KCN và bổ sung thêm các KCN mới cho giai đoạn tới.

Tỉnh Đồng Nai sẽ quy hoạch mở thêm 8 Khu Công nghiệp

Trong những KCN đề xuất xây dựng mới, có 2 khu chuyên phát triển lĩnh vực logistics nằm ở 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Dự tính, 1 KCN chuyên về logistics thuộc địa bàn xã Phước Bình (huyện Long Thành) sẽ chuyên phục vụ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành. KCN xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) sẽ là KCN chuyên dịch vụ logistics cho Cảng Phước An.

Huyện Nhơn Trạch hiện đã có 10 KCN, nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn nên xây dựng Cảng Phước An và phát triển các KCN logistics khu vực gần cảng sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Theo các chuyên gia về kinh tế, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thì chi phí sẽ rẻ hơn nhiều so với đường bộ, đồng thời giảm được gánh nặng cho giao thông đường bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng chỉ đạo Sở KH&ĐT làm đầu mối tổng hợp, hoàn thiện đề án mở rộng, bổ sung KCN. Trong đó, cần tính toán kỹ đường giao thông kết nối, hệ thống thoát nước, môi trường. Riêng huyện Thống Nhất xem xét lại KCN Gia Kiệm, nếu đầu tư không hiệu quả cần hủy bỏ để đầu tư KCN khác.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Sẽ quy hoạch thêm 8 khu công nghiệp?