Nhiều “điểm nóng”
Nhu cầu xây dựng nhà ở và các công trình trên địa bàn Đà Nẵng hiện rất lớn, phát sinh hàng trăm khối rác thải xây dựng mỗi ngày. Chi phí vận chuyển rác thải tăng lên, tốn kém và bãi rác Khánh Sơn cũng trở nên quá tải dẫn tới tình trạng đổ trộm, đổ lén rác thải trên vỉa hè, khu đất trống thưa vắng dân cư tràn lan, gây nhếch nhác, ô nhiễm môi trường.
Các khu đất trống, khu vực thưa dân cư trở thành nơi tập kết rác không đúng quy định
Tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, tuyến đường Thăng Long vắng vẻ, không có camera giám sát cũng trở thành địa điểm “lý tưởng” để các đối tượng lén nút đổ trộm rác thải xây dựng. Không chỉ gạch đá, vật liệu thải khi phá dỡ công trình, nhà cửa, mà còn có vô số vật dụng sinh hoạt như bàn, ghế salon, kính vỡ, thủy tinh. Mới đây, phường đã mật phục bắt tại trận xe của ông Nguyễn Văn Cảm (SN 1973, trú tỉnh Quảng Ngãi) có hành vi đổ trộm rác thải xây dựng ở tuyến đường Thăng Long, xử phạt 3,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Chánh, người dân tổ 27, phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ cho biết: Chúng tôi vô cùng bức xúc khi vỉa hè, đất trống trở thành nơi đổ cát, xà thải. Họ thường lợi dụng ban đêm thưa vắng người để đổ trộm. Hễ cứ ngủ dậy là thấy lù lù từng đống đất đá hình thành ngay ô đất trống trước nhà, mất mỹ quan đô thị.
“Mình giữ gìn sạch sẽ khu dân cư, đổ rác có nơi có chỗ, không hiểu sao lại có một số người thiếu ý thức đổ rác, xả thải bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường sống. Cứ dọn xong thì họ lại tiếp tục đổ. Đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp quyết liệt” – ông Chánh nói.
Biển cấm đổ rác kèm mức xử phạt được treo, nhưng tình trạng đổ thải vẫn tái diễn ngày càng gia tăng
Tương tự tại xã Hoà Châu, ngay dưới chân cầu Đỏ cũng trở thành bãi rác lộ thiên chủ yếu là gạch, đá, vôi vữa – những phế thải xây dựng bỏ đi từ quá trình thi công nhà cửa đổ thành từng ụ lớn. Chỉ trong nửa giờ đồng hồ ghi nhận tại khu vực này, chúng tôi phát hiện chiếc xe ben BKS 43C- 08730 đã có 2 lượt vận chuyển thu gom phế thải, rồi đưa về tập kết trái phép. Không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, khói bụi cộng với ô nhiễm môi trường, bãi tập kết phế thải đã trở thành nỗi bức xúc của người dân tổ 5,6, thôn Đông Hoà.
Được biết, để cấm người dân đổ trộm phế thải, tại nhiều điểm tập kết rác thải trái phép, phía UBND các phường đều treo biển cấm đổ rác kèm theo mức xử phạt. Nhưng hình ảnh gần như chỉ mang tính chất minh họa vì biển cứ treo, còn phế thải xây dựng vẫn cứ đổ. Thống kê cho thấy, trong tháng 4/2022, vào cao điểm mùa xây dựng, trung bình mỗi ngày có khoảng 400 tấn rác thải xây dựng (khoảng 500 khối) được đưa về bãi rác Khánh Sơn để xử lý. Số lượng này chỉ chiếm khoảng 20-30% tổng số rác thải xây dựng trên toàn thành phố.
Cần xử lý từ gốc
Theo ông Đinh Phạm Công Anh Tuân, Phó phòng Tài nguyên & Môi trường quận Cẩm Lệ, một trong những vướng mắc trong việc xử lý rác thải xây dựng tại địa phương là không có điểm tập kết. Ngoài ra, Cẩm Lệ là một trong những địa phương đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều dự án quan trọng đang được triển khai nên hoạt động xây dựng ngày càng phát triển mạnh. Khối lượng rác thải xây dựng thải ra môi trường cũng nhiều hơn và ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân.
Địa phương thường xuyên ban hành kế hoạch, vận động người dân, doanh nghiệp ra quân tổng dọn vệ sinh tại các điểm nóng ô nhiễm, đồng thời giao trách nhiệm cho từng phường phải tự xử lý, thành lập các tổ thường xuyên kiểm tra tình trạng đổ trộm, xà thải không đúng quy định thông qua camera giám sát, cắt cử bố trí lực lượng theo dõi. Thời gian qua, địa phương cũng đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm đổ trộm xà thải không đúng quy định và yêu cầu khắc phục trả lại nguyên trạng mặt bằng.
Từng đống phế thải xây dựng là gạch, vữa… thải ra môi trường
“Công tác xử lý cũng rất khó, bởi lực lượng của mình thì mỏng mà họ đổ trộm thường vào ban đêm và có sự cảnh giác cao. Họ phát hiện thấy có người canh gác là lại chỉ dừng xe ngay vệ đường. Muốn bắt được quả tang trực tiếp, các lực lượng phải mật phục cả trong đêm. Phải giữ lắm chứ không giờ đã phát sinh thêm nhiều bãi đổ trộm rác xây dựng nhếch nhác rồi”- ông Tuân cho hay.
Ông Đinh Hữu Phúc, Chủ tịch phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng cho biết: Do địa bàn rộng (7,9ha) gấp 5- 7 lần so với các phường khác trên địa bàn thành phố, lại có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh với nhiều khu đô thị, khu đất dự án được triển khai nhưng chưa được lấp đầy dân cư như: Khu đô thị Phước Lý hay khu vực đất công cộng quanh khu vực hồ Trung Nghĩa… đã khiến tình trạng đổ trộm rác thải, xà thải không đúng quy định trở thành vẫn đề nhức nhối. Vấn đề này chính quyền, cấp ủy địa phương đặc biệt quan tâm. Trước đây, địa phương có 2 bãi tạm phía sau Bệnh viện ung bướu và đường Lý Thái Tông, người dân chở rác tới đó, tình trạng đổ trộm giảm rõ rệt. Tuy vậy, hiện cả 2 bãi rác này đều phải tạm dừng do người dân xung quanh phản ứng gay gắt. Địa phương đang tính giải pháp tìm địa điểm mới, xa khu dân cư để làm bãi tập kết tạm.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng được được đánh giá là thành phố có chất lượng môi trường tốt, là thành phố môi trường, tuy nhiên, thành phố vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề về rác thải nhất là rác thải xây dựng vì đây là loại rác thải chưa có quy định, quy chuẩn cụ thể nào. Do đó, ngay từ bây giờ, thành phố đang nghiên cứu để có giải pháp quản lý và xử lý phế thải xây dựng. Cụ thể, thành phố đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Xây dựng (Hà Nội) triển khai dự án Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế (Dự án SATREPS) tại thành phố Đà Nẵng. Khi dự án này hoàn thành cơ bản sẽ giải quyết được bài toán phế thải xây dựng từ gốc.
Thanh Hải