Từ cuối tháng 2/2020, hạn hán, nhiễm mặn diễn ra khốc liệt ở hạ du hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn.
Theo giới chuyên môn, nắng nóng trên diện rộng dẫn đến nhiều dòng sông khô đáy cộng thêm một số nhà máy thủy điện không tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa, đang là thực trạng nan giải ở lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn. Hệ lụy sẽ kéo theo cả vùng hạ du bị thiếu nước, nhiễm mặn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia -Thu Bồn như A Vương, Sông Bung 4 đến cuối mùa lũ năm 2019 đều ở rất thấp, riêng hồ A Vương đến cuối mùa lũ năm 2019 có thời điểm chỉ đạt 354 m, thấp hơn 26 mét so với mực nước dâng bình thường 380 m, tương đương thiếu hụt gần 200 triệu mét khối.
Cơ quan Khí tượng thủy văn Đà Nẵng dự báo: Từ tháng 4 đến tháng 6/2020 nước sông Vu Gia có thể thiếu hụt từ 23 đến 70% so với cùng kỳ các năm trước.
Thông tin từ Chi cục Thủy lợi TP Đà Nẵng cũng cho biết, các năm gần đây xâm nhập mặn thường xảy ra sớm. Độ mặn đo được tại đập ngăn mặn ở khu vực cầu Nguyễn Tri Phương có thời điểm lên đến 6.863mg/l (liên tục 24 giờ) còn ở cửa thu nước Cầu Đỏ (cung cấp nước sinh hoạt cho 2/3 dân số Đà Nẵng) là 1.133mg/lít (theo quy chuẩn thì độ mặn trong nước sinh hoạt không vượt quá 250 mg/lít; độ mặn đảm bảo cho canh tác lúa không quá 1.000 mg/lít).
Trong khi gần 1 triệu dân cư Đà Nẵng căng mình chống chọi với nạn thiếu nước sinh hoạt thì ở huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), mặn xâm nhập sâu ảnh hưởng đến hàng chục ngàn ha đất đai canh tác. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam dự báo, khoảng 7.000 ha lúa ở các địa phương nêu trên sẽ bị thiệt hại do mặn xâm nhập.
Các nhà máy thủy điện bậc thang Vu Gia – Thu Bồn đối mặt với thiếu nước cục bộ
Trước tình trạng mặn xâm nhập sâu với độ mặn có thời điểm đo được vào trung tuần tháng 3/2020 ở cửa lấy nước Nhà máy nước Cầu Đỏ lên đến 5.863 mg/l; TP Đà Nẵng đã gửi công văn yêu cầu 2 thủy điện thượng nguồn là A Vương và Sông Bung 4 xả nước ít nhất 12 giờ/ngày (Thủy điện A Vương xả nước từ 18 đến 22m3/s; Thủy điện Sông Bung 4, xả từ 25 đến 30m3/s) kể từ ngày 13/3.
Cuối năm 2018, UBND TP Đà Nẵng cũng từng có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia -Thu Bồn xả nước đảm bảo mực nước tại đập dâng An Trạch tối thiểu đạt +1,4m để có thể vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch cung cấp nước sinh hoạt cho TP này.
Tại cuộc hội thảo giữa các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia -Thu Bồn với 2 địa phương cuối nguồn là Đà Nẵng và Quảng Nam bàn giải pháp vận hành hiệu quả hệ thống hồ chứa ở thượng lưu; ngoài dự báo về hạn hán kỷ lục trong năm nay, đại biểu đặc biệt quan tâm đến ý kiến cho rằng “các hồ chứa đầu nguồn không có khả năng chống hạn, mặn cho hạ du”.
Theo phân tích, những tháng đầu năm 2020 các hồ chứa phải hạn chế phát điện để trữ nước phục vụ chống hạn cho hạ du. Tuy vậy, với tần suất nước về các hồ trên 80% (trong đó, các hồ A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4 đặc biệt thấp với tần suất xấp xỉ 100%). Đến nay, mực nước các hồ thủy điện đều thấp hơn mực nước quy định theo Quy trình vận hành liên hồ chứa. Kho nước của các hồ chứa thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia -Thu Bồn, đang rất “ít ỏi” so với tổng lưu lượng tự nhiên của toàn bộ lưu vực sông và chỉ có khả năng bổ sung. Chủ đầu tư thủy điện cũng cho rằng mùa khô năm 2020 còn rất dài vì thế nên việc sử dụng kho nước dự trữ này (các hồ thủy điện thượng nguồn Vu Gia -Thu Bồn) vào thời điểm nào, hiện đang được Thủ tướng Chính phủ giao cho chính quyền TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất của các thủy điện.
Hồng Nhung