Hà Tĩnh ban hành công điện ứng phó với mưa lớn dài ngày trên diện rộng

Mai Hạ|03/11/2024 18:35
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước thông tin dự báo từ đêm 3 đến ngày 8/11, khu vực Hà Tĩnh khả năng sẽ xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, chủ động sơ tán người dân tại các khu vực có nguy cơ cao về ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh vừa ban hành công điện về việc chủ động ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh.

Theo bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ đêm 3 đến ngày 8/11, khu vực Hà Tĩnh khả năng sẽ xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng; trong đó từ gần sáng ngày 4/11 đến hết đêm 5/11, có mưa to, có nơi mưa rất to; riêng phía Nam mưa rất to; từ ngày 6/11 đến hết ngày 8/11 có mưa vừa, mưa to, phía Nam có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa đợt phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm.

3-ht.png
Dự báo tổng lượng mưa đợt tới ở Hà Tĩnh phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm

Dự báo mưa lớn có nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các khu vực trũng, thấp; mưa cường độ lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng ở vùng trũng, thấp và khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng kèm theo lốc, sét và gió giật mạnh.

Thực hiện Công điện số 8248/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 1/11/2024 của Bộ NN&PTNT về việc ứng phó với mưa lớn khu vực miền Trung, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 6612/UBND-NLi ngày 1/11/2024 về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ trong 10 ngày tới.

UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền đầy đủ thông tin mưa lũ đến người dân được biết, đồng thời phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Tổ chức rà soát, chủ động sơ tán người dân tại các khu vực có nguy cơ cao về ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Hướng dẫn, chỉ đạo triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây ăn quả, các lồng bè và diện tích nuôi trồng thủy hải sản đã đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực có nguy cơ bị ngập sâu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn và phục vụ sản xuất; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Sẵn sàng lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Các đơn vị được giao quản lý các công trình thủy lợi, thủy điện, đê điều trên địa bàn tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập; đặc biệt là các hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các hồ chứa đang thi công, sửa chữa và các tuyến đê xung yếu, đê, cống qua đê đang thi công. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố (nếu có) ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ, vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt tại các vị trí xung yếu.

Đối với các hồ chứa có cửa van, đơn vị quản lý theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt là tình hình mưa từ các cơ quan khí tượng thủy văn, để chủ động vận hành điều tiết, nhằm đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du và tích đủ nước phục vụ sản xuất. Đối với các cống tiêu, thoát lũ phải cử người thường trực thường xuyên để vận hành tiêu thoát lũ kịp thời.

Các chủ đầu tư, các BQL dự án chỉ đạo các nhà thầu đang thi công các công trình huy động lực lượng, phương tiện, tập trung thường trực 24/24h để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và công trình; đặc biệt là đối với các khu vực trọng điểm, các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai đang thi công dở dang.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

Báo Hà Tĩnh, Đài PTTH tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến thiên tai; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, mưa lũ, kịp thời tham mưu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Tĩnh ban hành công điện ứng phó với mưa lớn dài ngày trên diện rộng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.