Hà Tĩnh phát sinh 648 tấn chất thải rắn/ngày, mới xử lý được 80%

Theo Báo Hà Tĩnh|05/10/2017 10:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Tại Hà Tĩnh, mỗi ngày bình quân trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 648 tấn chất thải rắn. Công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các địa phương do 211 đơn vị thực hiện với khối lượng rác được xử lý khoảng 518 tấn (80%).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Sáng 5/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì buổi làm việc để nghe kết quả xây dựng, triển khai, thực hiện đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt.

Qua thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bình quân trên địa bàn tỉnh khoảng 648 tấn/ngày. Công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các địa phương do 211 đơn vị thực hiện với khối lượng rác được xử lý khoảng 518 tấn (80%).

Đến tháng 9/2017, có 8 địa phương cấp huyện đã phê duyệt đề án thu gom, vận chuyển rác. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các nội dung theo đề án chưa được nhiều, một số nội dung trong đề án các địa phương đến nay không còn phù hợp nên phải rà soát cập nhật, điều chỉnh lại.

Liên quan đến việc thực hiện nội dung đề án, về kết quả thực hiện giá dịch vụ, đến tháng 10/2017 có 4 địa phương đã ban hành mức giá cụ thể, 2 địa phương chỉ đạo các xã áp dụng mức giá do UBND tỉnh quy định, còn 8 địa phương chưa có mức giá cụ thể.

Việc xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh được thực hiện qua các nhà máy, tại các bãi chôn lấp hoặc các lò đốt. Trong đó, hiện có 2 nhà máy đang hoạt động (tại Cẩm Quan – Cẩm Xuyên và Kỳ Tân – huyện Kỳ Anh); ngoài ra, còn có 2 nhà máy tại Lộc Hà và Can Lộc đã được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư và đang hoàn thiện các thủ tục triển khai.

Toàn tỉnh có 5 bãi chôn lấp hợp vệ sinh đang hoạt động và 6 bãi chôn lấp tự phát ở các địa phương hiện đang rà soát chuyển đổi hình thức lò đốt hoặc ngừng tiếp nhận rác để xử lý. Bên cạnh đó, hiện đang có 7 lò đốt không sử dụng nhiên liệu được đầu tư độc lập, tuy nhiên có một số lò đốt tự phát chưa được kiểm tra, đánh giá về chất lượng công nghệ.

Nhìn chung, việc thực hiện đề án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do một số địa phương chưa xác định được phương thức xử lý, vị trí vận chuyển về xử lý nên thiếu cơ sở tính toán chi phí; một số địa phương thay đổi phương thức xử lý nên phải điều chỉnh lại; hoạt động của các hợp tác xã môi trường chưa được quan tâm đúng mức, nhiều hợp tác xã kém hiệu quả; các lò đốt được lắp đặt đều chưa được quan trắc, phân tích đầy đủ về chất lượng khí thải, các địa phương chưa thống nhất về chủng loại…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh, việc xử lý rác phải tuân thủ nguyên tắc thị trường; các địa phương phải giảm thiểu vai trò Nhà nước từ khâu thu gom đến khâu xử lý rác thải sinh hoạt mà phát huy vai trò tư nhân, doanh nghiệp thông qua đấu thầu, Nhà nước chỉ đánh giá chất lượng dịch vụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tỉnh luôn tạo cơ chế, điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh, nhưng cũng mong muốn doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với địa phương.

Đối với các huyện đã có dự án thì sớm triển khai thực hiện, các huyện chưa xúc tiến được nhà đầu tư xử lý rác thì triển khai phương án xây dựng lò đốt thủ công. Bên cạnh đó, các huyện vẫn phải chủ động phải quy hoạch, tính toán đến hướng xây dựng nhà máy xử lý rác. Đến năm 2018, phấn đấu 100% huyện vận hành theo đề án mới.

Theo Báo Hà Tĩnh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh phát sinh 648 tấn chất thải rắn/ngày, mới xử lý được 80%