Long An : Đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học từ nay đến năm 2020

Khánh Thu|31/03/2017 07:22
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo thông tin trên TTXVN, tỉnh Long An đang thực hiện dự án bảo tồn đa dạng sinh học từ nay đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, với tổng kinh phí khoảng 13 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.

(Moitruong.net.vn) Mục tiêu của dự án là xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An, làm cơ sở phân chia các vùng sinh thái, các khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học. Qua đó góp phần vào việc quy hoạch bảo tồn tổng thể cả nước, khai thác bền vững đa dạng sinh học ở địa phương. 

Theo đó, tỉnh tập trung bảo tồn đa dạng sinh học hơn 5.000 ha vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười (thuộc các huyện Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa) và Khu Bảo tồn (KBT) thiên nhiên Láng Sen, huyện Mộc Hóa.

KBT có một giới hạn tự nhiên khá đặc biệt, là cù lao rộng 1.500ha được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây với nhiều sinh cảnh thích hợp cho động thực vật ưa nước và nơi dễ khôi phục các hệ sinh thái đồng cỏ, bãi ăn của nhiều loài chim nước.

00langsen

Đàn cò tập trung ở KBT Láng Sen

Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, hiện Láng Sen có 149 loài thực vật, 176 loài động vật. Trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Trong số các cá thể sinh sống tại Láng Sen, các loài chim chiếm số lượng nhiều nhất, chúng tập trung nhiều tại các Tiểu khu 11, tiểu khu 12 và một số lòng kênh. Các loài động vật quý hiếm ghi nhận xuất hiện tại đây gồm có​ sếu đầu đỏ, cò ốc, diệc lửa, diệc xám, điên điển, giang sen, cò trắng chân xanh..

Để công tác bảo tồn đa dạng sinh học có hiệu quả, tỉnh Long An thực hiện các giải pháp như: Nâng cao nhận thức theo các cấp độ quản lý bảo tồn trong tỉnh và các cán bộ quản lý trong các khu bảo tồn, cán bộ nghiên cứu trong các cơ sở bảo tồn, các kỹ thuật viên, công nhân và cộng đồng sống trong và xung quanh các khu bảo tồn. Tỉnh tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học – công nghệ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học nhằm phục vụ việc xây dựng và quản lý các khu bảo tồn và các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được quy hoạch.

Tỉnh thực hiện quy chế quản lý các khu bảo tồn cấp tỉnh, hướng dẫn công tác cứu hộ động vật hoang dã, có chính sách hỗ trợ cộng đồng sống trong và xung quanh khu bảo tồn. Chính quyền các huyện thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đến từng xã, từng thôn và người dân để nhân dân tham gia tích cực vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học…

Khánh Thu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long An : Đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học từ nay đến năm 2020