Phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh - Bài 3: Mở cửa, hòa nhập cùng xu thế của thời đại

Minh Hiển|10/11/2022 14:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đối với nông nghiệp Việt Nam, phát triển kinh tế xanh cần được xem như là một trong những giải pháp quan trọng cho sự phát triển bền vững. Hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.

Mô hình trên thế giới

Khi hóa chất nông nghiệp đang gây quan ngại ngày càng lớn về tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhiều quốc gia đang thúc đẩy canh tác hữu cơ như một giải pháp xanh và bền vững.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi phương thức canh tác này không phải ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của người nông dân khi có những lo ngại về năng suất cây trồng, bên cạnh sự phản đối của các công ty sản xuất hóa chất nông nghiệp.

Chiến lược đa dạng sinh học “Farm to Fork” (từ nông trại đến bàn ăn) của Liên minh châu Âu (EU) cam kết giảm 20% việc sử dụng phân bón hóa học và đặt mục tiêu dành ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp cho canh tác hữu cơ.

nong-nghiep-xanh-2.jpg
Ấn Độ tăng cường ứng dụng thiết bị bay đầu tư cho nông nghiệp xanh

Tại Thụy Sĩ, 15% số hộ nông dân đã sử dụng sản phẩm hữu cơ và không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, theo số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang. Ngành nông nghiệp thụt lùi một bước để có thể thực hiện mục tiêu đầy tham vọng hơn.

Tại một quốc gia khác là Sri Lanka, vào tháng 12/2019, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã cam kết “thúc đẩy và phổ biến nông nghiệp hữu cơ” trong thập kỷ tiếp theo và thực hiện “cuộc cách mạng trong việc sử dụng phân bón.”

Sự thay đổi liên quan đến việc chuyển đổi các làng nông nghiệp truyền thống sang chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và cung cấp miễn phí cả phân bón hữu cơ và vô cơ cho nông dân.

Vào tháng 4/2021, ông Rajapaksa đã tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học và hóa chất nông nghiệp, bao gồm thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Lý do là để kiểm soát chi phí chăm sóc sức khỏe do lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp.

Trước sự phản đối từ cộng đồng sản xuất nông nghiệp và do lo ngại giá lương thực sẽ tăng cao, vào tháng 11/2021, chỉ bảy tháng sau khi được áp dụng, lệnh cấm đã được đảo ngược.

Dù vậy Chính phủ vẫn khẳng định rằng "chính sách nông nghiệp của đất nước chú trọng xây dựng một nền nông nghiệp xanh tập trung vào việc sử dụng duy nhất phân bón hữu cơ."

Chính sách của ông Rajapaksa ban đầu đã nhận được sự ủng hộ của nông dân. Cuộc khảo sát của Verité Research cho thấy gần 2/3 số nông dân được hỏi cho biết họ ủng hộ tầm nhìn của chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, nhưng gần 80% những người ủng hộ cho biết một sự thay đổi như vậy sẽ cần hơn một năm.

Tại Ấn Độ, phân bò được sử dụng để tạo ra khí đốt sinh học, cung cấp năng lượng sạch cho các hộ gia đình và sau đó được tận dụng để bón cho đất, cải thiện chất lượng đất trồng.

Cách làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí hơn việc sử dụng phân bón hóa học lại vừa giảm tình trạng phá rừng bởi tự tạo được khí đốt sinh học. Phân bón hữu cơ giúp cải thiện chất lượng đất, tăng khả năng giữ nước để chống chọi tốt hơn với các đợt hạn hán.

Ban đầu, người dân định kiến sản lượng mùa vụ sẽ giảm khi sản xuất với phương thức hữu cơ thay vì dùng các sản phẩm hóa học.

Trong khi đó, chi phí lắp đạt hệ thống sản xuất khí đốt sinh học biogas trị giá khoảng 30.000 rupee (430 USD) cũng là trở ngại với một số hộ nông dân.

Tuy nhiên, dự án sau đó chỉ ra hiệu quả tiết kiệm chi phí và năng suất cao trên các cánh đồng sử dụng phương pháp canh tác này, trong khi người dân cũng nhận được sự hỗ trợ.

Ngoài ra, nông dân cũng được hướng dẫn cách sử dụng giun đất để tạo ra phân bón và tạo ra các loại phân bón tự nhiên cũng như thuốc trừ sâu hữu cơ khác.

Nhờ ứng dụng các phương pháp hữu cơ trong trồng trọt, người nông dân thể bỏ ruộng 2 tuần không cần tưới nước ngay cả trong các đợt nóng vì giờ chất lượng đất đã được cải thiện và có thể giữ ẩm được lâu hơn.

Thậm chí, trên các vùng đất ẩm, lượng mưa hiếm hoi sẽ được giữ lại nhiều hơn, ngấm dần vào trong các tầng ngậm nước, giúp mạch nước ngầm được tái tạo.

Giờ đây, nông dân ở nhiều vùng Ấn Độ có thể trồng được nhiều vụ mùa hơn, ổn định hơn mà không cần dùng tới phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay khai thác lượng lớn nước ngầm vốn hạn hẹp.

Trung bình sản lượng lúa tăng 30-40% mỗi năm kể từ khi họ chuyển đổi sang canh tác hữu cơ trong khi các chi phí cho sản xuất nông nghiệp cũng giảm 35%.

Bên cạnh việc có thể thu hoạch 2 vụ mùa mỗi năm, người nông dân Ấn Độ nay có thể trồng gối vụ rau, chăn nuôi gia cầm và trồng những loại cây nông nghiệp khác như yến mạch, lúa miến và ngô...

Sikkim, một bang ở Đông Bắc Ấn Độ, tuyên bố đã đạt được trạng thái canh tác hữu cơ hoàn toàn vào năm 2016.

Tầm nhìn được Thủ hiến bang công bố lần đầu tiên vào năm 2003 và vào năm 2010, Nhiệm vụ canh tác hữu cơ đã được đưa ra để thực hiện trên thực tế.

Theo số liệu từ bộ phận nông nghiệp và thực phẩm của chính quyền bang, việc chuyển sang canh tác hữu cơ ở Sikkim, khu vực sản xuất thảo quả làm gia vị lớn thứ hai thế giới, đã không dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về sản lượng của các loại cây trồng chủ lực.

Phát triển nền nông nghiệp xanh, phù hợp với xu thế 

Trên thế giới, tăng trưởng xanh đã dần trở thành xu hướng chủ đạo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp xanh. Do đó, Bộ đã xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Bộ để cụ thể hóa các nhiệm vụ Chính phủ giao, đồng thời cũng để thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững đã đề ra tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (12/9/2022).

Kế hoạch hành động bảo đảm phù hợp và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ định hướng của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chiến lược khác của ngành có liên quan.

nong-nghiep-xanh-3.jpg
Để chuyển sang nền nông nghiệp xanh, cần thay đổi nhận thức từ nông dân, các tổ chức, hợp tác xã, cộng đồng dân cư...

Hài hòa hóa các mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, tham gia tích cực thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh; gắn tăng trưởng xanh với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn. Ngành nông nghiệp xác định, việc thực hiện Kế hoạch hành động phải dựa trên cơ sở lồng ghép và tận dụng mọi nguồn lực, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế cho phát triển ngành, nhất là trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.

Mục tiêu cụ thể, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp 2,5 - 3%/năm; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; tỉ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu ha; giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Đặc biệt sẽ xác định sẽ chuyển đổi 300 nghìn ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỉ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Xây dựng nông thôn mới đảm bảo đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp văn minh.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, theo PGS.TS Phan Sĩ Mẫn cùng cộng sự thuộc Viện nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cần có nhiều giải pháp từ truyền thông, chính sách tín dụng, khoa học công nghệ, thị trường...

Việt Nam cần có những chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp với các hộ gia đình để họ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Trong các nguồn lực để phát triển kinh tế xanh thì vốn là nguồn lực quan trọng. Việc hình thành và phát triển các mô hình sản xuất theo hướng "xanh" đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn hơn so với mô hình sản xuất thông thường, do đó cần có sự hỗ trợ nguồn vốn cho việc phát triển. Bên cạnh đó, phương thức, thủ tục cho vay, thu nợ cần phù hợp với đặc điểm của từng loại mô hình sản xuất. Các thủ tục phải đơn giản, thuận tiện, cơ chế cho vay và thu nợ theo thời vụ của cây trồng, vật nuôi giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Về khoa học, công nghệ, các giải pháp nên tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho dân thông qua mạng lưới khuyến nông, giúp dân chủ động trong sản xuất dựa trên những kiến thức của bản thân; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất. Giải pháp về thị trường tập trung tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa. Thực tế hiện nay, việc tiêu thụ nông sản của nông dân gặp rất nhiều khó khăn do chưa tạo dựng được thương hiệu, bị tư thương ép giá, chưa có một đầu mối thu mua sản phẩm... vì vậy, nếu được đảm bảo về mặt đầu ra thì người nông dân sẽ yên tâm để đầu tư sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro cao do những tác động của các yếu tố thời tiết, khí hậu, vì vậy để giảm thiểu rủi ro cần có chính sách về bảo hiểm cho nông nghiệp. Đây là một lĩnh vực mới đối với cả nông dân và các tổ chức bảo hiểm nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các tổ chức thực hiện bảo hiểm nông nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, thông tin, tuyên truyền về phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao nhận thức, ý thức về kinh tế xanh cho hộ nông dân, các chủ trang trại, các nhà sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh - Bài 3: Mở cửa, hòa nhập cùng xu thế của thời đại