Từ năm 2100, con người sẽ chết vì nóng không chịu nổi

Hà Mi (TH)|04/08/2017 07:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ năm 2100, con người sẽ chết vì nóng nóng không chịu nổi

(Moitruong.net.vn) – Các nhà khoa học Mỹ vừa nghiên cứu và chỉ ra rằng, khí hậu nóng ẩm tại khu vực Nam Á, nơi 1/5 dân số thế giới sinh sống, sẽ vượt ngưỡng chịu đựng của con người vào cuối thế kỷ này.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, ngưỡng chịu đựng của con người là 35 độ C và nhiệt độ, độ ẩm khu vực Nam Á sẽ vượt ngưỡng này nếu con người không thay đổi lối sống, thay đổi cách ứng xử hài hòa với thiên nhiên. Trái đất nóng lên là hậu quả của một quá trình tích lũy lâu dài của khí nhà kính, chủ yếu là CO2 và metan. Những khí này khi được thải vào bầu khí quyển sẽ “nhốt” hơi nóng của ánh mặt trời bên trong bầu khí quyển, vì vậy làm cho nhiệt độ trái đất tăng lên. Hiện tượng trái đất nóng lên sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Và chính những diễn biến thời tiết tiêu cực sẽ khiến 1/3 dân số khu vực Nam Á phải sống trong điều kiện môi trường nguy hiểm.

Và báo cáo của các nhà khoa học Mỹ đăng trên tạp chí Science Advances tiến hành nghiên cứu dựa trên 2 mô hình khí hậu, tính toán theo “nhiệt độ bầu ướt”, một chỉ số kết hợp giữa nhiệt độ, độ ẩm và khả năng làm mát của cơ thể để phản ứng với sự thay đổi của môi trường.

Trong mô hình thứ nhất, khi tốc độ biến đổi khí hậu vẫn diễn ra như hiện nay, các nhà khoa học dự báo vào cuối thế kỷ này, nhiệt độ bầu ướt tại hầu khắp khu vực Nam Á sẽ chạm ngưỡng chịu đựng của con người và thậm chí sẽ vượt ngưỡng này ở một vài nơi. Ngưỡng chịu đựng của con người hiện được xác định là 35 độ C.

Trong viễn cảnh này, ước tính khoảng 30% dân số trong khu vực Nam Á sẽ phải sống trong điều kiện môi trường nguy hiểm, tăng từ mức 0% hiện nay. Tồi tệ nhất là những vùng canh tác nông nghiệp đông dân cư ở đây vì người lao động hầu như không thể tiếp cận môi trường có máy điều hòa không khí.

Các nhà khoa học Mỹ cũng cảnh báo sớm nhất là vài thập kỷ tới, các đợt sóng nhiệt chết người sẽ bắt đầu tấn công Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, tại các lưu vực sông Indus và sông Hằng, các vựa lương thực của khu vực. Như vậy, 1,25 tỷ người ở Ấn Độ và 350 triệu người ở Bangladesh và Pakistan sẽ là những người bị ảnh hưởng đầu tiên. Trên thực tế, năm 2015, Ấn Độ và Pakistan đã từng trải qua đợt sóng nhiệt nguy hiểm thứ 5 trong lịch sử hiện đại, cướp đi sinh mạng của khoảng 3.500 người.

Tác giả báo cáo, Elfatih Eltahirhe, giáo sư về kỹ thuật môi trường tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ nhấn mạnh việc giảm nhẹ tình trạng biến đổi khí hậu sẽ giúp tránh được những viễn cảnh nghiêm trọng này.

Trong mô hình thứ 2, nếu trong trường hợp thế giới có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu trong những thập kỷ tới, số dân tại Nam Á phải sống trong điều kiện môi trường nguy hiểm như trên chỉ là 2%. Nhiệt độ bầu ướt sẽ tăng lên mức nguy hiểm (trên 31 độ C), song sẽ không quá gần ngưỡng gây chết người.

Trước đó, các chuyên gia của Ấn Độ từng chỉ ra rằng, El Nino là nguyên nhân khiến nhiệt độ mặt nước biển ở Thái Bình Dương ấm lên, gây ra thời tiết nóng nực khắp châu Á. El Nino khiến nhiệt độ tăng lên, gây ra mưa bão, lụt lội và hanh khô. Và những đợt nắng nóng sẽ ngày càng nhiều, kỷ lục nóng sẽ liên tục bị phá vỡ, con người sẽ chết vì nóng không chịu nổi nếu không thay đổi cách sống.

Hà Mi (TH)

Bài liên quan
  • Ấn Độ đối mặt với cuộc khủng hoảng nước
    Nhiều cảnh báo về nguy cơ thiếu nước và điện năng được đưa ra trước mùa hè với những đợt nắng nóng cực độ sắp tới, khi lượng nước tích trữ có thời điểm giảm xuống mức 35% công suất khiến nhiều thành phố phía nam Ấn Ðộ cạn kiệt nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ năm 2100, con người sẽ chết vì nóng không chịu nổi