Hà Nội: Tăng cường thực hiện giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính

Ngọc Ánh (T/h)|03/05/2019 00:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Những hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan xuất hiện với tần suất cao thời gian gần đây cho thấy, biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, Hà Nội – một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới đang nỗ lực từng bước để giảm thiểu khí nhà kính (KNK).

Biến đổi khí hậu (BĐKH) trong thời gian qua đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nước ta. Khí nhà kính (KNK) hiện được coi là nguyên nhân chủ yếu làm tăng nhiệt độ toàn cầu, gây nên BĐKH

Những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi có tốc độ đô thị hóa cao, số dân tăng nhanh, đang phải đối mặt những thách thức nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường và phát thải KNK ngày càng tăng. Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân về giảm nhẹ phát thải KNK còn hạn chế.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Tuấn Định, hiện nay, dân số của Thủ đô Hà Nội khoảng trên 7,7 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%. Với sự góp mặt của 17 khu công nghiệp, trên 1.300 làng nghề, 5,3 triệu xe gắn máy và 560.000 ô tô, TP mỗi ngày tiêu thụ ước tính 38 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu…

Được biết, từ tháng 12/2015, TP Hà Nội và C40 đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm giúp hai bên có cơ sở hợp tác hiệu quả hơn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Năm 2018, Hà Nội đã gửi thư cam kết đến C40 về việc lập kế hoạch hành động về khí hậu mang tên “Thời hạn 2020” cho TP.

Bên cạnh đó, từ tháng 10/2017, Hà Nội đã chính thức tham gia Dự án “Cam kết thành phố tham vọng” được tổ chức thực hiện bởi ICLEI, dưới sự tài trợ của Bộ TN&MT, xây dựng và an toàn hạt nhân Liên bang Đức và Tổ chức Sáng kiến vì Khí hậu toàn cầu (BMU) với mục tiêu cam kết tham gia cắt giảm khí thải nhà kính, hỗ trợ xây dựng các chương trình hành động cụ thể và tăng cường vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền trong ứng phó với BĐKH.

Được biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện kiểm kê KNK, tập trung vào 2 lĩnh vực: Chất thải và năng lượng. Đối với chất thải khí, ước tính đến năm 2020, phát thải trung bình của Thủ đô là 4,053 triệu tấn CO2.

Hiện tại, TP Hà Nội đã cập nhật kịch bản BĐKH theo kết quả “Kịch bản BĐKH và nước biển dâng” mới nhất của Bộ TN&MT ban hành” – ông Lê Tuấn Định cho biết.

Tại Hà Nội, các hoạt động giảm phát thải KNK cũng đang được tích cực triển khai. UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thống kê phát thải KNK ở các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp…

Triển khai chương trình hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm trên địa bàn; hướng dẫn các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn thành phố thực hiện trách nhiệm theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Các hoạt động nhằm góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng và thực hiện thành công mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK tại Việt Nam trong thời gian tới, hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Hà Nội cũng đã hoàn thành việc nâng cao năng lực dự báo; chủ động phòng, chống thiên tai; ứng phó và thích ứng có hiệu quả với BĐKH để giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra; triển khai có hiệu quả các hoạt động nâng cao nhận thức, gắn kết lồng ghép các biện pháp ứng phó với BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của TP; giảm mức phát thải KNK, hoàn thành mục tiêu từ 8 – 10% trên đơn vị GDP so với năm 2010.

Về quản lý tài nguyên, TP đã sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng đạt 7,5%; quản lý theo quy hoạch 92.000ha đất trồng lúa. Hoàn thành công tác lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai theo hướng hiện đại.

Về công tác bảo vệ môi trường, TP Hà Nội đã hoàn thành việc xử lý ô nhiễm 25/25 cơ sở theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”; thu gom và xử lý 90% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị của 12 quận và thị xã Sơn Tây đạt 98%, của 17 huyện ngoại thành đạt 89%. 100% dân cư đô thị, gần 55% dân cư nông thôn trên địa bàn TP được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; tăng diện tích cây xanh đô thị đạt 10 – 12m2/người theo quy hoạch…

Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2019, toàn bộ nước thải các quận nội thành cơ bản được xử lý, nhằm cải thiện nước sông Tô Lịch và sông Nhuệ; đầu tư và vận hành hiệu quả nhà máy đốt rác phát điện; triển khai chương trình trồng một triệu cây xanh; thống kê, đánh giá và đề xuất giải pháp quản lý phát thải KNK trên địa bàn TP đối với lĩnh vực chất thải và năng lượng.

Đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu lắp đặt và vận hành 38 trạm quan trắc không khí theo quy hoạch đã được duyệt nhằm đánh giá chất lượng không khí của TP, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

“Cùng đó, Hà Nội quản lý chặt chẽ vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước ngầm; hạn chế ô nhiễm chất lượng nguồn nước mặt, khai thác hợp lý để phục vụ cấp nước sạch” – Phó Giám đốc Sở TN&MT TP nhấn mạnh.

Ngọc Ánh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tăng cường thực hiện giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính