Hà Tĩnh: Ban hành công điện khẩn yêu cầu chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Ngọc Trâm|09/10/2017 15:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới – Ảnh minh họa

(Moitruong.net.vn) – Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với Áp thấp nhiệt đới gần bờ có khả năng mạnh lên thành bão.

Theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 9/10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông,  cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 410km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc,  mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 01 giờ ngày 10/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Theo dự báo nhiều khả năng khoảng 01 giờ sáng ngày 10/10/2017 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh ta, gây ra gió mạnh và mưa lớn trên diện rộng. Thực hiện Công điện số 73/CĐ-TW hồi 13h30’ ngày 09/10/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn;

Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai một số nội dung sau:

  1. Các sở, ngành, địa phương đình chỉ ngay các cuộc họp và các công việc chưa thực sự cấp bách, để tập trung cho công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và triển khai các phương án ứng phó với Áp thấp nhiệt đới (bão), tuyệt đối không được có tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác tổ chức ứng phó thiên tai.
  2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, UBND các huyện, thị xã ven biển bằng mọi biện pháp kịp thời thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn; hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền tại các âu tránh trú bão đảm bảo an toàn khi đã về nơi neo đậu; nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi kể từ 17h ngày 09/10/2017; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng có phương án cứu hộ, cứu nạn để triển khai khi tình huống xảy ra và khi có yêu cầu.
  3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

– Theo dõi chặt chẽ diễn biến Áp thấp nhiệt đới (bão); cảnh báo và thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh. Tổ chức sơ tán dân, khách du lịch ra khỏi các khu vực ven biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản, tại những khu vực thấp trũng ven biển; đề phòng mưa lớn, xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và ngập lụt, các địa phương chủ động soát xét và có phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định và chịu trách nhiệm trong việc cho học sinh nghỉ học để hạn chế việc đi lại trong mưa lũ.

– Chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình hạ tầng trên địa bàn, đặc biệt là các công trình đã bị hư hỏng trong cơn bão số 10 vừa qua, trong đó cần quan tâm lưu ý công tác đảm bảo an toàn cho hệ thống đê biển, nhất là các tuyến đê đang bị hư hỏng chưa được sửa chữa (đê Hoàng Đình, Kỳ Hà, Hòa Lộc, thị xã Kỳ Anh; đê biển Cẩm Nhượng, Lộc Hà, Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên; đê Tả Nghèn, huyện Lộc Hà; đê Hữu Phủ, huyện Thạch Hà; đê biển Hội Thống, huyện Nghi Xuân).

– Khẩn trương thành lập các đoàn công tác, cử cán bộ xuống tận các xã, thôn để chỉ đạo, đôn đốc, giúp đỡ người dân, Doanh nghiệp tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, nhà máy để chống bão, hoàn thành trước thời điểm bão vào bờ.

  1. Các địa phương, các Công ty TNHH MTV Thủy lợi: Nam Hà Tĩnh, Bắc Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng và các đơn vị liên quan kiểm tra và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt đối với các điểm xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao, các công trình đang thi công dở dang. Đối với các cống tiêu, thoát lũ phải cử người thường trực thường xuyên để vận hành tiêu thoát lũ kịp thời.
  2. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương tổ chức kiểm tra, cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các bến đò dọc, đò ngang, các ngầm, tràn qua sông, suối để tránh xảy ra các trường hợp thiệt hại về người do bất cẩn. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để kịp thời chi viện cho các công trình trọng điểm khi có lệnh.
  3. Sở Công Thương chỉ đạo Điện lực Hà Tĩnh triển khai ngay phương án đảm bảo an toàn lưới điện và sẵn sàng phương án khôi phục các sự cố về lưới điện trước, trong và sau bão.
  4. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị Viễn thông, Bưu điện trên địa bàn triển khai ngay phương án đảm bảo thông tin liên lạc và sẵn sàng phương án khôi phục các sự cố về thông tin liên lạc trước, trong và sau bão.
  5. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch kiểm tra và triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho khách du lịch tại các Khu du lịch của tỉnh, không được để khách du lịch bất cẩn xảy ra các tình huống đáng tiếc trước, trong và sau khi bão đỗ bộ vào đất liền.
  6. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các công trình thủy lợi Kẻ Gỗ –
    Bộc Nguyên, Sông Rác – Kim Sơn – Thượng Sông Trí, Ngàn Trươi –
    Cẩm Trang; hạ du Nhà máy thủy điện Hố Hô, Thủy điện Hương Sơn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động điều tiết hồ, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
  7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.
  8. Đề nghị các Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác PCTT và TKCN tại các địa phương (theo Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 14/3/2017 của UBND tỉnh) trực tiếp xuống cơ sở để đôn đốc, chỉ đạo, hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó.
  9. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi thường xuyên diễn biến của bão; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh kịp thời đưa tin về tình hình, diễn biến của bão đến các địa phương, các ngành và Nhân dân được biết để chủ động phòng tránh có hiệu quả.
  10. Các Sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ triển khai chủ động các phương án đảm bảo an toàn phòng, tránh ATNĐ và mưa, lũ.
  11. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Hà Tĩnh và các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng đưa tin; thường xuyên thông báo diễn biến thiên tai cho các sở, ban, ngành, địa phương và Nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.
  12. Tăng cường lực lượng trực ban tại các cơ quan, đơn vị để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra; thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến của ATNĐ (bão), công tác ứng phó, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Email: chonglutbaohatinh@gmail.com) để chỉ đạo.

Ngọc Trâm 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Ban hành công điện khẩn yêu cầu chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão